• English

Tin thị trường

Giáo dục, nâng cao nhận thức tài chính là nền tảng cho tài chính toàn diện

Ngày 3/10, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Học viện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) tổ chức Hội nghị quốc tế về nâng cao nhận thức và bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong nhiều năm qua, OECD và ADBI đã là những đối tác phát triển quốc tế hàng đầu trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu và khu vực.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Việc triển khai cơ chế hợp tác thông qua việc tổ chức những hội nghị là cơ hội để các quốc gia, các tổ chức quốc tế có thể cùng nhau đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm trong bối cảnh giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro tài chính, đặc biệt cho những đối tượng thu nhập thấp, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần triển khai có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện.

So với các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá có một số lợi thế nhất định trong triển khai tài chính toàn diện như nền tảng công nghệ thông tin, độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế...

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để có thể triển khai thành công thì công tác giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng cần phải đi trước một bước như là những chủ đề ưu tiên. Việt Nam luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức tài chính và bảo vệ người tiêu dùng là những thành tố căn bản trong chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện sắp tới của mình và là nền tảng quyết định thành công trong triển khai chiến lược.

Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, vừa qua, NHNN đã phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam triển khai xây dựng và phát sóng chương trình hàng tuần “Những đứa trẻ thông thái” chuyên đề về giáo dục tài chính dành cho trẻ em. Cùng với sự hợp tác của một số đối tác quốc tế, Việt Nam cũng đang từng bước đưa giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.

Dù có những thành công nhưng Việt Nam và các nước đang phát triển vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức như: tỷ lệ người nghèo chưa được tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao, sự bất bình đẳng về giới, sự chênh lệch giàu nghèo và sự khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền về mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính của người dân, về văn hóa và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính chính thức, về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, về nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và đảm bảo an ninh mạng...

“Trong thời gian qua, NHNN với vai trò là cơ quan chủ trì về tài chính toàn diện tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các nền kinh tế thành viên APEC triển khai các nội dung hợp tác, trong đó có nội dung về giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng theo chủ đề chính là: tài chính cho phát triển bền vững, nông nghiệp nông thôn. Các nội dung hợp tác rất gần gũi và thiết thực, trước hết là đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển như Việt Nam là nước đang trong giai đoạn đầu tiếp cận và triển khai tài chính toàn diện. Tiếp sau là cơ hội để các quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho nền tài chính toàn diện bền vững hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển còn chưa đồng đều giữa các nền kinh tế trong khu vực”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ông Naoyuki Yoshino - Giám đốc ADBI cũng cho rằng, Bộ Giáo dục phải tham gia mạnh mẽ vào giáo dục tài chính và việc đưa giáo dục tài chính vào trong sách giáo khoa tại các trường học là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, ông Yoshino cũng nhận thấy việc giáo dục tài chính không chỉ quan trọng trong trường học mà vẫn có giá trị sau khi các em đã tốt nghiệp ra trường. Giáo dục tài chính cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Công nghệ tài chính sẽ thay đổi giáo dục tài chính rất mạnh mẽ. Trước đây chúng ta thường tới trực tiếp ngân hàng để gửi tiền, song ngày nay có thể thấy chúng ta không cần phải tới ngân hàng mà có thể đầu tư hay mua bán sản phẩm thông qua điện thoại di động, internet... Giáo dục tài chính về rủi ro và lợi nhuận, nhận biết sản phẩm nào an toàn là rất quan trọng đối với cá nhân”, ông Yoshino chia sẻ.

Chia sẻ của Giám đốc ADBI nhận được sự đồng tình của phần đông đại biểu tham dự hội nghị, khẳng định giáo dục tài chính có thể giúp cho các cán bộ quản lý tài sản tài chính nâng cao hơn hiệu quả đầu tư và điều này sẽ có ý nghĩa lớn với tình trạng già hoá dân số ở nhiều quốc gia Châu Á.

Ghi nhận việc nâng cao giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng là ưu tiên quan trọng trong APEC, ông André Laboul, Tham tán cấp cao OECD cho rằng: “Cần xác định, đánh giá tình hình những nhu cầu, thách thức nhằm đưa ra được giải pháp trong việc xây dựng chiến lược để có tiếp cận phù hợp trong việc nâng cao nhận thức tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng khi xây dựng chương trình nội dung về tài chính phải được thực hiện một cách hiệu quả”.

Cũng theo ông Laboul, khi nói tới nhận thức tài chính không chỉ là về kiến thức mà còn là kỹ năng, thái độ và hành vi. Bởi cách tốt nhất để mỗi người có thể nâng cao nhận thức tài chính là phải hướng tới tất cả các yếu tố nói trên. Cùng với đó cũng phải xem xét thêm về quản trị, quy định...

Thông qua hai ngày hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp hướng tới mục tiêu nâng cao hiểu biết và kiến thức tài chính cho cộng đồng để qua đó họ có thể tự bảo vệ được quyền lợi, sử dụng sản phẩm và dịch vụ tài chính hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank