• English

Tin thị trường

Không khuyến khích rút tiền mặt

Những quy định mới được đặt ra trong Thông tư số 26/2017/TT-NHNN đều hướng tới mục tiêu không khuyến khích người dân sử dụng quá nhiều tiền mặt trong thanh toán. 

Lại thêm một nỗ lực nữa của NHNN trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng khi vừa qua, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư 26 bổ sung khoản 2 Điều 8 các hành vi bị cấm: “Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ)”. Như vậy, kể từ ngày 3/3/2018 hành vi chủ ý “lách luật” để rút tiền mặt từ máy POS sẽ bị coi là vi phạm.Nếu nhìn vào những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 26, có thể dễ dàng nhận ra những quy định mới được đặt ra đều hướng tới mục tiêu không khuyến khích người dân sử dụng quá nhiều tiền mặt trong thanh toán.

Với quy định này, Thông tư 26 đã bỏ quy định liên quan giao dịch rút tiền mặt VND từ thẻ tại máy POS của đơn vị chấp nhận thẻ (mỗi thẻ được rút tối đa 5 triệu đồng/ngày) như dự thảo trước đó đưa ra.

Vì sao cơ quan quản lý siết chặt hơn quy định về sử dụng thẻ? Vì thực tế cho thấy, rút tiền mặt từ máy POS là phương thức ẩn chứa khá nhiều rủi ro nhưng lại được không ít người dân sử dụng.

Hiện mức phí đang được áp dụng thu với đơn vị chấp nhận thẻ là từ 2 - 2,5% đối với thẻ quốc tế, và dưới 1% với thẻ nội địa tính trên tổng giao dịch đã thực hiện tại máy POS, có thể lên tới 100% hạn mức. Hiện các ngân hàng cũng không khuyến khích chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt. Hoặc nếu có rút tiền tại cây ATM thì chủ thẻ sẽ phải chịu phí từ 4% - 6%/tổng số tiền rút ra và tối đa là 50% hạn mức được cấp.

Như vậy, nếu khách hàng muốn rút một số tiền lớn, so sánh chi phí, hạn mức giữa “rút” qua POS và ATM thì không ít người sẽ chọn POS. Vì thế đã có hiện tượng một số cửa hàng nhỏ mở dịch vụ rút tiền mặt qua thẻ tín dụng cho khách hàng. Đây là kẽ hở, vì nếu xét trên quy định, những chủ cửa hàng này không vi phạm bởi giao dịch vẫn được xem như cà thẻ thanh toán qua POS sau khi mua hàng. Rất nhiều chủ thẻ đã “lách” dưới hình thức quẹt thẻ chi tiêu để rút được nhiều tiền hơn hạn mức mà thẻ tín dụng của ngân hàng phát hành cho phép, không khác gì vay nóng. Không ít trường hợp chủ thẻ tín dụng phải luẩn quẩn trong nợ nần khi rút quá nhiều tiền một cách dễ dàng so với khả năng chi trả. Về phía những cửa hàng, điểm POS cũng đã vi phạm Luật Kế toán khi ghi nhận khống việc bán hàng.

Đây không phải lần đầu tiên, khi cách đây khoảng hai năm, vào năm 2016 NHNN cũng đã có cảnh báo gửi tới các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh tình trạng sử dụng thẻ tín dụng thực hiện giao dịch khống.

Quy định mới được đặt ra trong Thông tư 26 lần này theo các chuyên gia đánh giá là thực sự cần thiết và quan trọng. Không chỉ đảm bảo tài sản cho cả khách hàng, ngân hàng trong giao dịch mà điều này còn giúp nâng cao tính minh bạch, kiểm soát trong hoạt động thanh toán qua thẻ ngân hàng.

Không chỉ cấm việc rút tiền mặt qua POS, Thông tư 26 cũng bổ sung thêm khoản 1a tại Điều 14 về kiểm soát sử dụng thẻ thanh toán, rút tiền mặt tại nước ngoài. Cụ thể quy định một thẻ chỉ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày. Điểm này đã được NHNN lý giải khi đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 19 để hạn chế việc sử dụng tiền mặt (ngoại tệ) được rút từ thẻ sau đó chi tiêu không đúng mục đích được phép theo pháp luật ngoại hối.

Một kết quả nghiên cứu cuối năm 2017 của tổ chức thẻ quốc tế Visa khảo sát trên 100 thành phố trên thế giới, trong đó có Hà Nội cho biết: Thanh toán qua thẻ và thanh toán thẻ phi vật lý (qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh) có thể mang lại lợi ích ròng mỗi năm lên tới 470 tỷ USD, tức là khoảng 3% tổng sản phẩm của các thành phố này. Với Hà Nội, thu thêm mỗi năm sẽ ở mức 600 triệu USD nếu thanh toán thẻ thay thế cho thanh toán tiền mặt phổ biến hiện nay.

Nói như vậy để thấy, việc hạn chế sử dụng tiền mặt đang là xu hướng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng: Không chỉ là khuyến khích, phổ biến, tuyên truyền để người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng quá nhiều tiền mặt trong đời sống hàng ngày. Mà thiết nghĩ cũng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, như Thông tư 26 vừa ban hành, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời hạn chế những rủi ro phát sinh cho cả phía chủ thẻ và ngân hàng khi rút quá hạn mức tiền mặt để chi tiêu”.

Thông tư cũng bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 15 hướng dẫn về hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung). Cụ thể với trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm thì hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm thì hạn mức tối đa là 500 triệu đồng.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank