• English

Tin thị trường

Xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi theo hướng hiện đại, thuận tiện

(TBTCO) - Đa số doanh nghiệp cho rằng dự thảo tờ trình và đề cương Luật Quản lý thuế sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo thể hiện sự đổi mới, khoa học và thể hiện được tinh thần hướng đến mục tiêu thực hiện chính sách thuế minh bạch, đơn giản và phù hợp với thông lệ quốc tế.
  

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 5/12.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi  hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung ba lần tại: Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế.

Tuy nhiên, ông Lưu Đức Huy thừa nhận, hiện Luật Quản lý thuế chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hoá quản lý thuế mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục quản lý thuế điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm trước.

“Do vậy cần thiết phải xây dựng một bộ Luật mới phù hợp với tình hình hiện đại, vừa để nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế, vừa chống thất thu với các loại hình kinh doanh mới phát triển như vũ bão hiện nay”, ông Huy nhận xét.

ông Huy cho biết, Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, với mục tiêu quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quản lý thuế điện tử. Các nội dung về giao dịch điện tử, khai thuế, hồ sơ thuế, chức năng thanh tra kiểm tra, hóa đơn chứng từ, quản lý thuế thương mại điện tử… sẽ được cơ quan quản lý Thuế theo hướng thuận tiện hơn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Quản lý thuế sửa đổi có tác động nhiều tới doanh nghiệp, bởi vì xu hướng cải cách, tần suất kê khai, giao dịch điện tử, giấy tờ phối hợp với các cơ quan liên quan rất lớn. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật có những nội dung quy định quan trọng như việc thúc đẩy giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử, kê khai và kế toán thuế… sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

“Ban soạn thảo và Tổng cục Thuế rất cầu thị, cởi mở trong việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, các đối tượng tác động. Vì vậy, với cách làm cởi mở, công khai minh bạch của ban soạn thảo sẽ đáp ứng được nhu cầu, mong muốn thay đổi trong quản lý thuế của các doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận định.

Bùi Tư/ Thời báo tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank