• English

Tin Kiên Long

KienlongBank cảnh báo các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dịp cuối năm

Cận Tết Nguyên đán là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó còn có các nhu cầu về tìm kiếm việc làm, gia tăng thu nhập … Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. 

KienlongBank  trân trọng thông tin đến Qúy khách hàng một số phương thức lừa đảo mà tội phạm thường sử dụng, cùng một số nội dung khuyến cáo để Quý khách hàng nhận biết các thủ đoạn lừa đảo, bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân.

MỘT SỐ HÌNH THỨC LỪA ĐẢO THƯỜNG GẶP

kienlongbank-canh-bao-thu-doan-lua-dao-cuoi-nam

1. Các hình thức lừa đảo liên quan đến thẻ tín dụng

Kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách hàng và mời chào sử dụng các dịch vụ thẻ như: rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc chuyển đổi giao dịch trả góp, hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm, mở thẻ tín dụng giả, nâng hạn mức thẻ tín dụng ...để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Các đối tượng sẽ gọi điện, nhắn tin hoặc mời chào sử dụng các dịch vụ của thẻ tín dụng rồi gửi đường link giả mạo website ngân hàng. Sau khi click vào đường link giả mạo, khách hàng sẽ được yêu cầu nhập các thông tin như họ và tên, CCCD, chụp ảnh CCCD 2 mặt, thông tin số thẻ, mã CVV, ngày hết hạn của thẻ, mã OTP… Ngay sau khi nhập mã OTP, khách hàng sẽ bị trừ tiền trên thẻ tín dụng do kẻ gian đã lấy cắp được thông tin thẻ và thực hiện các giao dịch bằng chính thẻ tín dụng của khách hàng.

2. Giả danh nhân viên ngân hàng để tặng quà online hoặc mời chào tham gia các nhóm đầu tư 

Các đối tượng giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng, gọi điện thoại tiếp cận khách hàng để thông báo tặng quà online khi tham gia các chương trình của ngân hàng. Sau đó, đối tượng hướng dẫn khách hàng đăng nhập đường link giả mạo nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng. Hoặc các đối tượng giả danh kết bạn với khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Viber, Skype, facebook … và mời khách hàng tham gia vào các tổ chức/nhóm đầu tư đầu tư tài chính, chứng khoán, trang thương mại điện tử. Với những mời chào hấp dẫn, đối tượng hướng dẫn khách hàng nhấn vào đường link trong tin nhắn để cung cấp thông tin xác thực. Thực chất đây là đường link giả mạo, lừa đảo để khách hàng tiết lộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

3. Chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội, mạo danh người thân quen để lừa vay tiền, chuyển tiền

Hack tài khoản mạng xã hội với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vấn đề nhức nhối và phổ biến, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, dễ dàng đánh lừa người dùng. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các bị hại, các đối tượng gọi điện, nhắn tin cho nạn nhân để thông báo trúng thưởng tài sản và tiền mặt có giá trị lớn, sau đó gửi một đường link giả mạo qua ứng dụng mạng xã hội như Messenger, zalo, … Khi người dùng đăng nhập, thông tin về tài khoản và mật khẩu sẽ được gửi về cho đối tượng. Sau khi đã chiếm được quyền sở hữu tài khoản, đối tượng sẽ thay đổi các thông tin đăng nhập như mật khẩu, email, số điện thoại. Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin cho những tài khoản trong danh sách bạn bè để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền.

4. Bẫy tuyển dụng online lừa đảo người tìm việc trên Telegram

Đánh vào tâm lý nhiều người cần việc làm, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm cần chi phí để trang trải, cái đối tượng lấy thông tin tìm việc của các ứng viên, giả mạo là nhân sự của các công ty, tổ chức lớn tiếp cận ứng viên để lừa đảo. Đối tượng gửi email có địa chỉ trụ sở, mô tả công việc rõ ràng với mức lương hấp dẫn. Nội dung thư yêu cầu ứng viên tải app Telegram về điện thoại, thực hiện khảo sát trước khi phỏng vấn. Trong app, nhóm nhân viên giả sẽ thay nhau dẫn dắt ứng viên nạp tiền để làm "các bước nhiệm vụ" cùng lời hứa hẹn số tiền đóng sẽ được hoàn lại bằng mức hoa hồng hấp dẫn, nhưng thực tế là nạp tiền vào nhưng không thể lấy lại được. Ứng viên nghi ngờ, muốn rút lại tiền thì bị yêu cầu phải hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo mới được rút, nhưng chắc chắc ứng viên không thể hoàn thành được các nhiệm vụ và bị cho ra khỏi nhóm mà không được trả bất kỳ chi phí nào. 

Để nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản, KienlongBank khuyến cáo khách hàng thực hiện một số nội dung sau:

• TUYỆT ĐỐI KHÔNG: Cung cấp Tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ, mã kích hoạt Smart OTP cho bất kỳ ai, dưới mọi hình thức; Truy cập vào các đường link lạ hoặc tải phần mềm/ứng dụng không rõ nguồn gốc qua các đường link; Sử dụng mật khẩu dễ đoán, gắn liền với thông tin cá nhân (số điện thoại, ngày sinh, số GTTT ...).

• CẢNH GIÁC với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các giao dịch, đề nghị cung cấp các sản phẩm/dịch vụ không rõ ràng với mục đích lừa đảo. Cần xác thực lại thông tin chính chủ yêu cầu (người thân, lãnh đạo, bạn bè/ đường dây nóng BHXH/ Bộ công an/ Tòa án/ VKS / Chi cục Thuế..) bằng cách gọi điện thoại, gặp trực tiếp.

• HẠN CHẾ DÙNG máy tính và mạng không dây công cộng để đăng nhập dịch vụ Ngân hàng điện tử (E-bank). 

• KHÔNG TRUY CẬP hoặc nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử vào trang web/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng ngân hàng điện tử của KienlongBank

• CHỈ TRUY CẬP Internet banking của KienlongBank theo đường link website chính thức của KienlongBank hoặc sử dụng ứng dụng Ngân hàng điện tử của KienlongBank để thực hiện giao dịch Ngân hàng điện tử.

• KIENLONGBANK KHÔNG YÊU CẦU khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật như: số thẻ đầy đủ, mật khẩu E-bank, mã xác thực OTP, token, … qua các cuộc gọi, đường dẫn dưới bất kỳ hình thức nào.

• NHANH CHÓNG ĐỔI MẬT KHẨU, NGỪNG GIAO DỊCH VÀ THÔNG BÁO NGAY CHO KienlongBank theo số Hotline 19006929 khi nghi ngờ giả mạo, lừa đảo.

Khách hàng cần lưu ý, OTP, PIN, mã CCV là thông tin tuyệt mật. Chỉ có tội phạm mới yêu cầu khách hàng chia sẻ thông tin tuyệt mật.

Các kênh giao dịch duy nhất của KienlongBank:

+ Website: https://kienlongbank.com

+ Hotline hỗ trợ 24/7: 1900 6929

+ 134 điểm giao dịch KienlongBank

+ Email: kienlong@kienlongbank.com; chamsockhachhang@kienlongbank.com

+ Mạng xã hội facebook: https://www.facebook.com/NganhangKienLong

Cùng KienlongBank chia sẻ ngay thông tin này đến với người thân, bạn bè và nâng cao cảnh giác.

Kính chúc Quý khách hàng luôn có những trải nghiệm an toàn khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ của KienlongBank!

KienlongBank News


Đăng ký nhận tin
KienlongBank