Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2022 các hiệp định thương mại tự do trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất và khiến các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế
Nhờ đó, XK tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, kể từ khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng rất ấn tượng. Khác với khu vực EU là thị trường XK tương đối truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP, đặc biệt là những nước phía châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới và XK của Việt Nam trong thời gian trước khi CPTPP có hiệu lực còn khiêm tốn. Tuy nhiên, sau khi có CPTPP, XK của Việt Nam sang các thị trường này đã tăng đáng kể. Điều này phản ánh việc các doanh nghiệp (DN) đã dần dần nắm bắt và có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới.
CPTPP được nhận định sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới. Ảnh minh hoạ.
Theo cam kết, các nước CPTPP sẽ phải cắt giảm gần như 100% dòng thuế về 0% sau một thời gian nhất định. Đặc biệt, giày dép là một trong những ngành có mức cắt giảm thuế về 0% nhanh nhất và vì vậy, được kỳ vọng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Hiện nay, giày dép là ngành có kim ngạch XK lớn hàng đầu của Việt Nam. Việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Nhật Bản và Canađa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch XK.
Theo đó, DN Việt Nam khi XK hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Về cơ bản, các mặt hàng XK có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với mức độ cam kết như vậy, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Trên thực tế, sau 3 năm CPTPP đi vào thực thi, XK hàng hóa vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng. Trong đó, XK sang 2 thị trường Chile, Peru tăng mạnh. Đặc biệt là ngành hàng thuỷ sản đã được các DN tận dụng tối đa ưu đãi trong CPTPP để thúc đẩy XK.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO - Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 10 thị trường thành viên trong khối CPTPP hiện đang chiếm trên 25% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam. Nhiều nước thành viên trong khối CPTPP đang là các thị trường XK thủy sản lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Canada, Australia và Mexico. Trong đó, Nhật Bản luôn giữ vị trí “top 3” trong các thị trường XK thủy sản của Việt Nam từ nhiều năm nay.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm 2021, lần đầu tiên doanh nghiệp này xuất khẩu 2,3 triệu tấn phôi thép và thép xây dựng cùng với 297.000 tấn tôn mạ. Các sản phẩm thép Hòa Phát đã có mặt tại 20 quốc gia, trong đó có các thị trường tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đáng chú ý, các ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP đã giúp sản lượng thép XK của Hòa Phát tới thị trường Canada và Nhật Bản tăng gấp đôi so với năm 2020, lần lượt ở mức 266.000 tấn và 127.000 tấn.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, năm 2021, lần đầu tiên sắt thép lọt vào nhóm 8 mặt hàng XK có tổng kim ngạch trên 10 tỷ USD. Nhờ các FTA, tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước năm 2021 đạt kỷ lục 336,25 tỷ USD. Có được kết quả này ngoài việc thị trường nước ngoài phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại, các DN đã tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)…
Để giúp DN đẩy mạnh XK, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Bộ Công Thương đang tích cực phổ biến các quy tắc xuất xứ để hàng hóa XK được hưởng ưu đãi; thông tin về dung lượng, thị hiếu thị trường, quy định cụ thể mặt hàng nhập khẩu… thông qua các hội nghị, tập huấn chuyên sâu. Công tác xúc tiến thương mại cũng được Bộ chú trọng đổi mới theo hình thức số hóa, trực tuyến nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác.
Theo cand.com.vn