Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng và nhiều DN đã biết tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tại nhiều thị trường lớn.
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 và đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Xuất khẩu tăng trưởng đồng đều ở các ngành hàng thế mạnh
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong 4 tháng qua, có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững
Nhiều chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, giá cước tàu biển,… hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững. Đó là dựa vào kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng, đặc biệt nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tại nhiều thị trường lớn.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn, đơn hàng sản phẩm truyền thống giảm mạnh, nhưng với sự nhanh nhạy, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ công nhân viên, Tổng Công ty May 10 đã tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh mặt hàng phòng chống dịch bệnh và kết quả là hoàn thành vượt các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 cũng như quý I/2021.
Còn ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thì đánh giá, các DN đã hoàn thành tương đối tốt hiệu quả sản xuất kinh doanh quý I/2021 đặc biệt là đối với ngành sợi, ngành ngành may đã có việc làm đủ 6 tháng đầu năm tuy giá trị đơn hàng chưa cao do mặt bằng chung của thế giới.
Tuy nhiên, điểm yếu của quý I là tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn đặc biệt là trong xuất khẩu ngành may không cao so với mặt bằng chung của toàn ngành. Thời gian tới, ngành sản xuất sợi phải tham gia vào các chuỗi cung ứng một cách quyết liệt. Đối với ngành may cần phải dự báo, dự phòng được những rủi ro của thị trường nếu như các nước đóng cửa gây ra nguy cơ thiếu hụt đơn hàng.
DN tăng năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng
Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các FTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đánh giá từ các chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021. Ở chiều nhập khẩu cũng có sự gia tăng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng như nhiều thay đổi về phòng vệ thương mại cũng như các quy định về chứng nhận an toàn thực phẩm từ các thị trường xuất khẩu.
Nhiều thị trường mới hồi phục để DN có thể tận dụng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các DN cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu.
“Khu vực châu Mỹ vẫn là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và tiếp theo là thị trường châu Âu. Các khu vực như châu Phi và châu Đại Dương tăng trưởng cũng tốt nhưng giá trị tuyệt đối hiện nay vẫn chưa lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là những căn cứ để DN có thể tận dụng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới”. Ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.
Do đó, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo, các DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ thông tin và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa./.
Theo vov.vn