Trong quý 1/2021, xuất khẩu rau quả ghi nhận tín hiệu tích cực tại hầu khắp thị trường, điển hình là Trung Quốc. Dự báo, từ nay đến cuối năm xuất khẩu ngành hàng tỷ USD này vẫn tiếp tục đà phục hồi, đặc biệt nhiều kỳ vọng từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Xuất khẩu rau quả đặt mục tiêu 4 tỷ USD năm 2021. Ảnh: N.Thanh
Trị giá xuất khẩu tăng 6,1%
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, XK rau quả ước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động XK hàng rau quả của Việt Nam diễn ra khá sôi động. Kết quả đạt được nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hoạt động XK không bị gián đoạn.
Trị giá XK hàng rau quả tới thị trường Đài Loan, Australia và Malaysia tăng rất mạnh. Cụ thể, trị giá XK sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%; thị trường Australia đạt 11,9 triệu USD, tăng 30,6%; thị trường Malaysia đạt 9,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan, lãnh đạo một DN chuyên XK rau quả sang thị trường Hoa Kỳ chia sẻ: Năm 2020, tổng trị giá XK nông sản các loại, trong đó rau quả chiếm phần lớn của DN này đạt 48 triệu USD, trong đó XK sang Hoa Kỳ chiếm tới 65%. Từ đầu năm đến nay, tín hiệu thị trường vẫn khá tốt, đơn hàng dồi dào. Đặc biệt, ưu đãi thuế quan từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và gần đây nhất là FTA Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKVFTA) cũng góp phần giúp cho hoạt động sản xuất, XK của DN nhộn nhịp hơn. “Với đà XK hiện tại, dự báo năm nay tổng trị giá XK nông sản của công ty có thể tăng trưởng hơn 10% so với năm trước, trong đó rau quả đóng góp phần trị giá không nhỏ”, vị lãnh đạo DN này tính toán.
Ở góc độ thị trường XK, Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ, hàng rau quả XK chủ yếu tới thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 62,5% tổng trị giá XK rau quả của Việt Nam. “XK sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh là do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp tết Nguyên đán. Tiếp theo, hàng rau quả còn XK tới các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói.
FTA mở đường tăng xuất khẩu
Nhìn nhận về câu chuyện XK rau quả từ đầu năm đến nay, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), bên cạnh các thị trường truyền thống, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh XK sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác như: Ai Cập, Kuwait, Ukraina, Senegal…Đây kỳ vọng sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị XK trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm hàng rau quả đã qua chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị XK.
Riêng đối với thị trường XK hàng đầu là Trung Quốc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường thông tin thêm, việc Trung Quốc tăng cường NK trái cây từ Việt Nam nhằm phục vụ cho Lễ hội mùa Xuân là tín hiệu khả quan đối với ngành hàng rau quả của nước ta. Tại cửa khẩu Bằng Tường - cảng thương mại trái cây trên đất liền lớn nhất của Trung Quốc, hoạt động XK các mặt hàng trái cây như thanh long, mít, dưa hấu, xoài và nhiều loại trái cây khác của Việt Nam diễn ra khá sôi động.
Sau khi được khử trùng nghiêm ngặt và thực hiện các biện pháp khác về phòng chống dịch Covid-19, các xe chở trái cây được đưa vào khu giám sát hải quan để kiểm tra. Trái cây sau đó sẽ được chuyển từ chợ trái cây Bằng Tường đến Quảng Châu và Chiết Giang, sau đó sẽ được chuyển đi khắp đất nước. Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam được đưa vào các trung tâm mua sắm của Trung Quốc càng nhanh càng tốt để sớm đến tay người tiêu dùng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, việc tận dụng tính hiệu lực của các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… đang giúp mở đường ra cho các DN tăng kim ngạch XK rau quả trong năm nay.
Đáng chú ý, UKVFTA hứa hẹn tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Khi Hiệp định có hiệu lực, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường với hoa quả nhiệt đới từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia. Đó là bởi các quốc gia này đều chưa có FTA với Vương quốc Anh.
“Với tín hiệu khả quan từ đầu năm 2021, dự báo XK rau quả của Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh.
Theo haiquanonline.com.vn