Từ đầu năm đến nay, mặc dù đối diện nhiều khó khăn từ thị trường thế giới cùng giá cước vận tải tăng, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng mừng là nhiều mặt hàng nông sản có giá trị tăng trưởng cao, dần chuyển dịch sang các thị trường lớn, tiềm năng...
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản của Việt Nam có giá trị xuất khẩu tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD. Trong ảnh: Đóng gói cà phê xuất khẩu tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (tỉnh Bắc Giang).
Đột phá từ nhiều mặt hàng
Bộ NN&PTNT thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản cả nước đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD (tăng 8,8%), lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD (tăng 3%), thủy sản đạt 5,8 tỷ USD (tăng 40,8%). Riêng chăn nuôi chỉ đạt 176 triệu USD (giảm 15,9%)…
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho hay, xuất khẩu nông sản đã có đột phá lớn từ nhiều mặt hàng. Đến nay, Việt Nam có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và đầu vào phục vụ sản xuất. Trong đó, cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, cao su tăng 9,2% khối lượng và 12,2% giá trị; cà phê tăng 21,7% khối lượng và 49,7% giá trị; gạo tăng 16,2% khối lượng và 4,6% giá trị; sắn, sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng và 28% giá trị.
Nói về mặt hàng nằm trong nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,1 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng xuất khẩu tới cuối năm 2022. “Hiện, xu hướng tiêu dùng sản phẩm gỗ đang tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: Ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ..., đều là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, rau, quả cũng đang đón nhận nhiều đơn hàng lớn, xuất khẩu có sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường tiềm năng rất lớn đối với rau, quả Việt Nam, nhất là sản phẩm có thế mạnh như: Chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung cho sản phẩm chế biến, khai thác đa dạng các khối thị trường...
Đạt được những đột phá trong xuất khẩu nông sản, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, là do nông sản Việt Nam có sự chuyển dịch lớn từ thị trường nhập khẩu. Hiện, Mỹ là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu). Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu); tiếp đó là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Dũng Minh
Hướng tới con số 55 tỷ USD
Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu, năm 2022, xuất khẩu nông sản phấn đấu cán đích con số 55 tỷ USD (cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao 5 tỷ USD). Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để đạt mục tiêu trên, Bộ thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị cao để bù cho những sản phẩm có thể không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Còn theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, Cục sẽ phối hợp với doanh nghiệp tập trung khai thác tối đa các mặt hàng, nhóm hàng có thế mạnh để tạo đà, tạo sức bật chung cho xuất khẩu toàn ngành. Cụ thể là nhóm mặt hàng lâm sản và đồ gỗ. Với mặt hàng này, Bộ NN&PTNT kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 17 tỷ USD, thủy sản đạt 10 tỷ USD, các mặt hàng khác đạt khoảng 3 tỷ USD. Riêng nhóm nông sản chính đạt khoảng 25 tỷ USD.
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… về thuế, phí để tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngoài những giải pháp về thị trường, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm nghiêm ngặt các quy định liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời mở rộng khai thác nhiều nhóm hàng khác. Về phía Bộ NN&PTNT, cùng với các mặt hàng, nhóm hàng đang phát triển đã có thị trường tiêu thụ ổn định, Bộ tiếp tục đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, triển khai nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi tới Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước để xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu; tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với hoạt động ngoại giao của Chính phủ, các bộ, ngành khác, tạo cơ sở cho nông sản Việt Nam xuất khẩu bền vững, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Theo hanoimoi.com.vn