• English

Tin thị trường

Xử lý triệt để sở hữu chéo, ngăn nợ xấu phát sinh

NHNN từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD.

Đề cao tính thị trường

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Thống đốc NHNN đặt ra đối với toàn Ngành trong các tháng còn lại của năm và những năm tiếp theo đó là quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 (Đề án) nhằm đẩy nhanh giải quyết dứt điểm các NH yếu kém cũng như xử lý nợ xấu. Một thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá: Đề án lần này đã gói gọn các điểm nóng lại thay vì tách ra thành hai như giai đoạn trước. Nếu không giải quyết được nợ xấu thì tái cơ cấu khó thành công được.

“Chính vì vậy, việc đưa ra một đề án bao trùm cả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giúp cho cơ quan thuận lợi hơn trong triển khai đồng bộ, xuyên suốt các chính sách. Nếu xử lý trọn vẹn hai vấn đề trên thì tái cơ cấu NH giai đoạn 5 năm tới sẽ thành công và ngược lại”, vị này đánh giá.

 Một trong những nội dung chính được người đứng đầu Ngành nhấn mạnh khi yêu cầu các đơn vị triển khai Đề án là tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Số lượng TCTD yếu kém giảm dần, đảm bảo có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản...Về lý do Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn tiếp theo ra đời, lãnh đạo NHNN cho hay, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống TCTD Việt Nam nhỏ so với khu vực và so với nhu cầu của nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao, năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD vẫn còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng. Nhất là tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao...

Xét theo các mục tiêu Đề án đặt ra, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cơ quan điều hành đã có ý đồ từ trước và hiện hệ thống NH đã, đang triển khai. Chẳng hạn như mục tiêu lành mạnh hoá hệ thống NHTM, áp dụng theo các thông lệ chuẩn mực quốc tế Basel II… đang được các NH thực hiện, tuy nhiên tốc độ triển khai chậm hơn so với kỳ vọng. Mặt khác, vị này đánh giá khá tích cực khi cơ quan điều hành đã đề cao tính thị trường thể hiện qua việc không ấn định số lượng các NH tồn tại hoặc phải giảm bớt. Thay vào đó, Đề án đưa ra mục tiêu định hướng đến năm 2020, các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II. Đặc biệt phấn đấu có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong Top 100 NH lớn nhất khu vực châu Á…

Vấn đề hệ thống NH Việt Nam cần có bao nhiêu NH là đủ cũng đã gây tranh cãi trong thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng, rất khó để định lượng các NH Việt Nam đang nhiều hay ít. Nếu các NH nhất là NH nhỏ đều yếu kém cả về quản trị, vốn liếng thì phải thu hẹp thông qua sáp nhập như cách NHNN xử lý thời gian vừa qua là cần thiết để giảm thiểu rủi ro.  Nhưng nếu xét dưới góc độ tiềm năng tài khoản NH hoạt động theo dân số Việt Nam như hiện nay thì số lượng NH cũng không phải quá nhiều. Để có câu trả lời chính xác, phải dựa trên sự vận động của thị trường chứ không chỉ đơn giản áp đặt là được. Cơ chế sàng lọc và đào thải đó phải “tự nhiên” chứ không phải bằng sự “thúc ép” có tính mệnh lệnh hành chính.

Không khoan nhượng với sở hữu chéo

Đánh giá Đề án ra đời rất kịp thời, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng TS Trần Du Lịch lưu ý tới  các vấn đề cần phải giải quyết triệt để đó là nợ xấu, không để tồn tại NH yếu kém, và xử lý tình trạng sở hữu chéo. Theo đánh giá của vị chuyên gia này, sở hữu chéo chính là gốc của vấn đề nợ xấu. Cùng chung quan điểm, một chuyên gia NH lưu ý, sở hữu chéo gây ra rất nhiều hệ lụy cho hệ thống NH. Nhiều NH tăng vốn điều lệ lên mấy nghìn tỷ đồng, nhưng nguồn tiền đó thực chất là ngân hàng nọ vay ngân hàng kia, lòng vòng sở hữu. Do đó quy định chặt hơn về sở hữu chéo là rất cần thiết. Về vấn đề này, lãnh đạo NHNN cho hay, Đề án đã tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xử lý cơ cấu lại TCTD là cơ sở quan trọng trong thời gian tới, NHNN từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan.

Cụ thể, Đề án đã bổ sung các quy định để tăng cường xử lý việc sở hữu chéo, ngăn ngừa lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của các TCTD và các bất cập về pháp lý liên quan. Đề án còn sửa đổi bổ sung khái niệm “người có liên quan” để đảm bảo bao quát rộng hơn các trường hợp có cùng lợi ích.

Theo đó, đảm bảo xác định được cổ đông đích thực, cổ đông hưởng lợi cuối cùng. Nhằm hạn chế sự thao túng TCTD của các cổ đông, Đề án rà soát sửa đổi bổ sung quy định về giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông pháp nhân so với vốn điều lệ và giảm giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông và những người liên quan so với vốn điều lệ của TCTD cổ phần. Ngoài ra, Đề án cũng tăng thẩm quyền và trách nhiệm của NHNN Việt Nam trong việc kiểm soát cổ đông, nhóm cổ đông lớn ở cả hai khâu tiền kiểm và hậu kiểm.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đề án, trong các tháng cuối năm 2017 và các năm tiếp theo, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các TCTD. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều hạn chế, sai phạm. Trường hợp TCTD nào vẫn để những hành vi vi phạm đã được cảnh báo tồn tại tiếp tục tái diễn trong hệ thống sẽ được xem như cố ý vi phạm, không chấp hành chỉ đạo của Thống đốc NHNN và sẽ bị xem xét, xử lý theo đúng quy định. Lãnh đạo NHNN cảnh báo, tới đây NHNN bổ sung chế tài nghiêm khắc đối với những NH phục vụ các công ty sân sau lợi ích nhóm.

“Trong trường hợp có hành vi vi phạm NHNN sẽ cấm vĩnh viễn người vi phạm không được tham gia HĐQT NH. Vì thế, HĐQT, Ban điều hành các TCTD phải ý thức trách nhiệm của mình rất lớn trước khi quyết định bất cứ vấn đề gì”, lãnh đạo NHNN nhắc nhở các TCTD đảm bảo kỷ cương hoạt động NH.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank