• English

Tin thị trường

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TAND tối cao và VKSND tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất đường lối xử lý và hướng dẫn các cơ quan tư pháp ở địa phương khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Lãi suất lên đến 700%/năm

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.

Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”.

Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt.

Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp.

Quang cảnh Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức. Ảnh: Internet

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự. Tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, biêu, phường thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Rà soát, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật, quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm

Về trách nhiệm của Bộ Công an, Chỉ thị số 12/CT-TTg nêu rõ, Bộ Công an cần phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch điều tra cơ bản trên toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm, gắn với triển khai có hiệu quả Đề án 2 về “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.

Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm.

Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để siết chặt quản lý. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, trong đó cần quy định cụ thể các hành vi cho vay với lãi suất vượt quá quy định tại Bộ luật Dân sự nhưng chưa đến mức xử lý hình sự (bao gồm cả cho vay có thế chấp tài sản và cho vay không thế chấp tài sản) và các hành vi đòi nợ gây mất trật tự công cộng, đảm bảo chế tài đầy đủ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VKSND tối cao và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi, họ.... và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; lập hồ sơ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Phối hợp chặt chẽ với VKSND tối cao, TAND tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung.

Không cho đăng tải, xóa các bài viết quảng cáo trái phép có liên quan đến “tín dụng đen”

Cùng với việc đề cập cụ thể đến trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...; Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề cập cụ thể đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, Bộ này cần chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương, hệ thống thông tin cơ sở, các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, các vụ việc liên quan “tín dụng đen” bị phát hiện, xử lý; đưa tin, bài về kết quả phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất; kịp thời cung cấp thông tin về hoạt động “tín dụng đen” cho cơ quan Công an và phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tăng cường công tác quản lý các nội dung quảng cáo đăng tải trên báo chí, môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, không cho đăng tải, xóa các bài viết quảng cáo trái phép có liên quan đến “tín dụng đen”. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Tổng đài 456 tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo) phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thu hồi sim rác (sim đăng ký thuê bao không đúng quy định); thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc thu hồi về kho số viễn thông đối với các thuê bao thực hiện nhắn tin, đăng tin, rao vặt, quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”, vay ngang hàng, vay trực tuyến không đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị TAND tối cao và VKSND tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất đường lối xử lý và hướng dẫn các cơ quan tư pháp ở địa phương khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử Điều 201 Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; chỉ đạo, hướng dẫn TAND các cấp đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến vay mượn tài sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

TAND các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xét xử công khai các vụ án trọng điểm và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng một số vụ án có liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là vụ án gây bức xúc trong dư luận nhân dân, các vụ án phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, côn đồ, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc dùng phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người, các vụ án gây hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, thiệt hại lớn về tài sản nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến các quy định, thủ tục để giải quyết các vụ án dân sự có liên quan đến vay mượn dân sự, tạo điều kiện cho người dân giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến vay mượn, đòi nợ thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo baovephapluat.vn

Đăng ký nhận tin
KienlongBank