• English

Tin thị trường

XLNX có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển bền vững của Việt Nam

Đó là nhận định chung của các diễn giả trong nước và quốc tế tại Hội thảo "Xử lý nợ xấu: Giảm thiểu các rủi ro trong ngành Ngân hàng và cải thiện sự phát triển của nền kinh tế" do NHNN và WB phối hợp tổ chức ngày 26/9/2017 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đến từ WB và Thuỵ Sỹ đánh giá, việc triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 và Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, trong đó có việc thành lập VAMC cùng với những sửa đổi về khung pháp lý và thể chế để  thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng là những tín hiệu cho thấy quyết tâm giải quyết nợ xấu, củng cố sự ổn định của khu vực tài chính – ngân hàng.

Tuy việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia WB, giá trị nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, qua đó tiềm ẩn rủi ro đối với sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngày 21/6/2017 Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu (NQ 42), trong đó đưa ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ, giúp cho quá trình xử lý nợ xấu triển khai nhanh, dứt điểm; qua đó, giúp cho hoạt động TCTD an toàn, hiệu quả, phát huy vai trò trung gian tài chính, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Tiếp đó, vào giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1058 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở tờ trình của NHNN với định hướng tái cơ cấu cụ thể các TCTD trong thời gian tới. Sau khi NQ 42 và Quyết định 1058 được ban hành, Thống đốc chỉ đạo quyết liệt ban hành kế hoạch hành động, Chỉ thị, Thông tư để triển khai hai chính sách lớn này để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hệ thống Ngân hàng đạt mục tiêu đề ra.

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thẳng thắn thừa nhận, hoạt động tái cơ cấu, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng là quá trình rất khó khăn. Không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới khi triển khai xử lý nợ xấu đòi hỏi mất nhiều thời gian, nguồn lực tài chính. Vì vậy, NHNN mong muốn học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cả về thành công lẫn thất bại để từ đó cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp phù hợp đảm bảo quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu diễn một cách hiệu quả, an toàn.

“NHNN hy vọng cuộc hội thảo rất ý nghĩa là đầu vào hữu ích trong quá trình xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Đặc biệt, với sự tham gia đông đủ của các bộ, ngành tại Hội thảo chắc chắn cũng giúp nhiều cho quá trình xử lý nợ xấu. Bởi nợ xấu do nhiều nguyên nhân nên để xử lý được nợ xấu không chỉ ngành Ngân hàng mà sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành là rất cần thiết”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Đánh giá cao những quyết định chính sách của NHNN trong thời gian gần đây đã đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, nỗ lực xử lý nợ xấu, nâng cao tính minh bạch khi công bố số liệu nợ xấu, nhưng theo bà Beatrice Maser – Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam, nợ xấu khó xử lý thấu đáo nếu không có cơ chế điều hành đặc biệt, khung quản lý giám sát cảnh báo sớm rủi ro… Để giải quyết điều này, bà khuyến nghị, chính sách tư duy nhiệm kỳ cần thay thế bằng nỗ lực hành động lâu dài, nợ xấu mua bán theo cơ chế thị trường phải đi song hành với tái cơ cấu dài hạn trên nền tảng giám sát ngân hàng hiệu quả…

TS.Jenniffer Isern – Giám đốc Khối tư vấn tài chính và thị trường phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cũng nhấn mạnh vai trò của hệ thống ngân hàng đối với mỗi quốc gia và do đó việc cải cách trong khu vực ngân hàng có ý nghĩa vô  cùng quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế. Với kinh nghiệm tư vấn, cũng như trực tiếp tham gia xử lý nợ xấu ở các nước trên thế giới, vị chuyên gia của WB cho rằng, việc có bước đi cụ thể xử lý nợ xấu, tăng cường giám sát, cảnh báo nợ xấu sớm,…  giúp ngân hàng tối đa hoá thu hồi nợ xấu, ít tạo ra tổn thất nhất cho nền kinh tế.

“Xử lý nợ xấu thành công ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm hệ thống các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”, TS.Jenniffer Isern nhấn mạnh và khẳng định WB sẽ cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện đặc thù, đặc biệt là các giải pháp cải thiện khung pháp lý và giám sát, thiết lập môi trường và hệ thống pháp lý lành mạnh và thuận lợi, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu hoạt động hiệu quả.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank