• English

Tin thị trường

Xem xét việc ngừng nhập máy, siết chặt quản lý tiền ảo

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp đang xem xét và đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác “tiền ảo” theo thẩm quyền.


Ảnh minh hoạ

Đây là một nội dung thông tin liên quan đến vấn đề quản lý tiền điện tử do đại diện cơ quan quản lý đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua.

Trả lời báo chí về các vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo khiến nhà đầu tư mất tiền trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt khung đề án để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý tiền ảo và tài sản ảo. Giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý.

Với tiền điện tử dưới dạng ví điện tử và thẻ trả trước ngân hàng, hiện đang thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Giải đáp thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm và cũng đã có chỉ đạo kịp thời. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về các loại tiền, ở đây là tiền ảo. Tuy nhiên, các bộ, ban, ngành liên quan khác cũng có chức năng, trách nhiệm trong việc quản lý tiền ảo.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định hiện hành, mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin… hiện chưa có mã HS riêng để quản lý, đang xếp chung vào nhóm máy “xử lý dữ liệu tự động” có mã HS 8471.80.90 và mặt hàng này thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước trong công tác xuất nhập khẩu, đối với mặt hàng này thì Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm đề xuất biện pháp quản lý phù hợp", Thứ trưởng Hải nói.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, các mặt hàng thuộc mã HS 8471.80.90 không thuộc danh mục hàng hoá bị cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo Giấy phép, điều kiện. Theo đó, các doanh nghiệp  thực hiện nhập khẩu các mặt hàng này chỉ phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

Tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin không phải tiền tệ và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát hành và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có phản ánh hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mô hình đầu tư tiền ảo.

Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp… nghiên cứu, xem xét việc đề xuất tạm ngừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

Theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, hàng hoá thuộc các trường hợp quy định lại Điều 9 của Luật, trường hợp có thể xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu nhưng chưa có trong danh mục hàng hoá cấm nhập thì có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu.

Việc nhập các loại máy tính nhằm thực hiện việc đào tiền ảo có thể gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội nên thuộc trường hợp điều chỉnh của Điều 9 kể trên. Do đó, trên cơ sở đề xuất hoặc lấy ý kiến các đơn vị chức năng liên quan, Bộ Công Thương hoàn toàn có quyền ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu.

Trên thực tế, dù có cơ sở yêu cầu ngừng nhập nhưng Bộ Công Thương vẫn lo ngại rằng, máy đào tiền ảo không có mã HS riêng nên nếu tạm ngừng rất có thể sẽ ảnh hưởng đến các mặc hàng khác nằm cùng nhóm chung HS 84718090. Do vậy, cần được cân nhắc trên cơ sở thực tế cũng như việc tạm ngừng nhập đúng mặt hàng nằm trong diện cần quản lý và cụ thể ở đây là máy đào tiền ảo.

Trước mắt theo yêu cầu cấp bách, Bộ Tài chính cần cung cấp số liệu hàng hoá nhập khẩu nằm trong nhóm kể trên của năm 2017 và những tháng đầu năm 2018; Bộ Thông tin và Truyền thông cần đánh giá thực tế nhu cầu của doanh nghiệp trong việc nhập khẩu hàng hoá các sản phẩm cùng nhóm. Trên cơ sở các số liệu thống kê, các bộ sẽ cùng tìm ra phương pháp quản lý, đồng thời xác định đúng và gắn mã HS đối với máy đào tiền ảo để việc tạm ngừng nhập khẩu được thực hiện chính xác sản phẩm cần quản lý.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 đến nửa đầu tháng 4/2018, cả nước đã nhập khẩu khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu bitcoin, dữ liệu bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ.

Số lượng máy đào tiền ảo nhập khẩu về chủ yếu tập trung tại 3 thành phố lớn gồm TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ. Trong đó, hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 bộ nhập về TP HCM, còn lại là Đà Nẵng.

Năm 2018, chỉ tính riêng hơn 4 tháng đầu năm, lượng máy đào tiền ảo nhập về Việt Nam đã đạt con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn gồm Hà Nội và TP HCM.

Việc quản lý máy đào tiền ảo trở thành cấp bách  sau khi có một số vụ lừa đảo lên đến hàng chục nghìn tỷ một phần do nhiều nhà đầu tư cả tin và do kẽ hở trong công tác quản lý. Đây cũng là lý do, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo.

Cũng liên quan đến vấn đề quản lý tiền ảo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có Chỉ thị của Thủ tướng có nội dung yêu cầu lãnh đạo một số bộ ngành và các địa phương tăng cường xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo liên quan đến tiền ảo.

Thủ tướng đã chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị được ra đời khi ngày càng có nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo xuất hiện.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật. Các giao dịch nào đáng ngờ liên quan đến tiền ảo cần phải được báo cáo ngay.

Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, chứng khoán, quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Thủ tướng cũng có những chỉ đạo cụ thể đối với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố triển khai phối hợp hiệu quả hơn để tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo.

Anh Minh

Báo Chính phủ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank