(Chinhphu.vn) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), cổ phần hóa của Việt Nam là hướng đi đúng và cần thực chất hơn trong thời gian tới.
Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương ngày 13/4, nhận định về kinh tế Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, tốc độ tăng trưởng tương đối thấp trong quý I do một số nguyên nhân như giảm khai thác nguyên liệu thô, ảnh hưởng thời tiết. Tuy nhiên, sản xuất của Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt cùng với những cải cách.
Còn chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt đánh giá cao việc Chính phủ ban hành các Nghị quyết 19 và thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh.
Năm 2017, Việt Nam đã cải thiện ở thứ hạng ở một số lĩnh vực như thủ tục thuế, tiếp cận tín dụng, đăng ký kinh doanh… Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ giúp ứng phó tốt hơn với những biến động.
WB khuyến nghị, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh cần phải gắn liền với chất lượng, quản lý chặt chẽ dòng tiền. Việc giải quyết nợ xấu gắn liền với chuẩn mực quản trị mới là Basel 2 là cơ sở để cải cách hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Thực tế, nguồn vốn doanh nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào ngân hàng, thị trường vốn vẫn còn yếu, chưa cân đối. Vì vậy, WB khuyến nghị Việt Nam cần phát triển thị trường tài chính, ngân hàng đồng đều hơn, phát triển thị trường vốn mới có ý nghĩa quan trọng trong dài hạn. Tái cân bằng hệ thống tài chính là yếu tố quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế của WB cũng đánh giá cao việc Chính phủ siết chặt quản lý tài khoá, nâng cao chất lượng chi tiêu ngân sách trước tình hình nợ công tăng cao, khắc phục thâm hụt ngân sách. Chuyên gia WB cho rằng, việc đẩy mạnh thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa là hướng đi đúng và cần thực chất hơn trong thời gian tới.
Cũng theo báo cáo này, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại do tái cân đối theo hướng tập trung vào tiêu dùng và dịch vụ. Dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,3% trong năm 2018 trong khi mức tăng trưởng năm 2016 là 6,7%.
Các nước còn lại, bao gồm cả các nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á, sẽ đạt mức tăng trưởng nhỉnh hơn một chút so với trước đây, cụ thể 5,0% năm 2017, 5,1% năm 2018. Mức tăng trưởng trung bình các nước này năm 2016 là 4,9%.
Các nền kinh tế lớn trong khối ASEAN sẽ tăng trưởng cao hơn chút ít trong giai đoạn 2017-2018 bởi những nguyên nhân khác nhau tại mỗi nước. Tại Philippines, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tăng, đầu tư tư nhân tăng, tín dụng tăng, kiều hối tăng... sẽ giúp nước này đạt mức tăng trưởng 6,9% trong cả hai năm 2017 và 2018.
Kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 4,3% năm 2017, 4,5% năm 2018 nhờ Chính phủ tăng trợ giá, tăng chi đầu tư cơ sở hạ tầng và xuất khẩu tăng. Indonesia sẽ tăng trưởng 5,2% nhờ tăng trưởng tín dụng và giá dầu tăng, cao hơn mức 5,0% năm 2018. Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2017 nhờ tâm lý tích cực trên thị trường và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Huy Thắng/ Theo Báo Điện tử Chính Phủ