• English

Tin thị trường

Vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý: do áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 nên việc giảm lãi có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn nhằm giữ lãi suất ổn định...

Trong phần đánh giá về các tổ chức tín dụng tại Báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính tháng 4/2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định: Huy động vốn cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2017,  tín dụng tuy tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng dòng vốn được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cần tiếp tục thận trọng, có các giải pháp để đối phó rủi ro đảo chiều của các dòng vốn, trong đó có dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Ủy ban cho biết, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,8%). Trong đó, huy động VND tăng 3,7%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Tỷ trọng vốn huy động ngoại tệ trong tổng nguồn vốn huy động là 9,2% (cuối 2017 là 9,7%).

Tín dụng trung dài hạn tăng trở lại

Đến cuối tháng 4/2018, tín dụng ước tăng khoảng 4,3% so với cuối 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,6%). Tín dụng bằng VND ước tăng 4,1%, chiếm 91,9% tổng tín dụng, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,3%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%).

Theo Ủy ban “tín dụng trung dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại”. Trong 4 tháng đầu năm 2018, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 5,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 3,2%. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn khoảng 53,3% (cuối năm 2017 là 47,2%).

Đáng lưu ý là tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp chuyển biến đáng kể. Tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực công nghiệp tăng lên 22,1%, (cuối năm 2017 là 19,7%). Trong khi tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,5% (cuối năm 2017 là 17%). Tỷ trọng cho vay các ngành nghề khác ổn định.

Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng tương đối dồi dào. Tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 87,9% (cùng kỳ năm 2017 là 88%). Trong đó, LDR bằng VND là 89,8%; LDR bằng ngoại tệ là 71,7%. Lãi suất liên ngân hàng tuy tăng nhẹ so với cuối tháng 3/2018 song vẫn ở mức thấp.

Cụ thể, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 1,5% (tăng 0,5 điểm % so với cuối tháng 3/2018), lãi suất 1 tuần ở mức 1,6%, lãi suất 1 tháng ở mức 2,0% (tăng 0,6% và 0,3% so với cuối tháng 3/2018). Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn vẫn đang thấp hơn khoảng từ 1,7 – 3,3 điểm % so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến cuối tháng 4/2018, NHNN hút ròng khoảng 39 nghìn tỷ đồng. Lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tương đối ổn định. Lãi suất huy động bình quân ở mức 5,2%, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2017. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,9%, trong đó lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 7%-11%; lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 2,4%-7%.

Tuy  nhiên Ủy ban lưu ý: do áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 nên việc giảm lãi có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn nhằm giữ lãi suất ổn định.

Với diễn biến tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong tháng 4, tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ giá trung tâm tăng 0,3%, tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,26%, tỷ giá tự do tăng khoảng 0,4% so với cuối năm 2017, Ủy ban cho rằng “Nguyên nhân là do chỉ số USD-Index tăng trên thị trường thế giới. Song nếu nhìn tổng thể bốn tháng đầu năm, chỉ số này vẫn đang giảm”. Theo UBGSTCQG, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5 – 2% sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng như làm giảm áp lực lên lạm phát.

Ngân sách thặng dư

Về thị trường chứng khoán, sau quý I tăng trưởng nóng 19,3% và tiệm cận 1.200 điểm, chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm trong tháng 4. Tới cuối tháng 4, VN-Index đạt 1.050 điểm, giảm 10,6% so với cuối tháng 3. Ủy ban cho rằng trong tình hình hiện nay cần tiếp tục thận trọng, có các giải pháp để đối phó rủi ro đảo chiều của các dòng vốn, trong đó có dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Ủy ban cho rằng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào TCCK Việt Nam. Từ đầu năm 2018, khối ngoại mua ròng 652 triệu USD trên thị trường chứng khoán chính thức (trong đó 590 triệu USD cổ phiếu và 62 triệu USD trái phiếu).

Trong tháng 4, khối ngoại mua ròng 62 triệu USD (trong đó mua ròng 65 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 3 triệu USD trái phiếu). Nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào các đợt IPO, bán cổ phần của các công ty tư nhân lớn như Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) và CTCP Vinhomes (thuộc Vingroup) là những thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào triển vọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Ủy ban cũng đưa ra lưu ý quan trọng: “Phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) bắt đầu có dấu hiệu khó khăn hơn và vẫn chậm giải ngân”. Tỷ lệ trúng thầu TPCP giảm mạnh xuống mức 37,5% trong tháng 4/2018, từ mức 66,2% của tháng 3/2018. Đồng thời lãi suất trúng thầu tăng 0,02 đến 0,07 điểm % so với cuối tháng 3 nên lãi suất trúng thầu TPCP thời gian tới có thể tăng nhẹ. Giải ngân vốn TPCP chậm đang làm giảm hiệu quả sử dụng vốn mặc dù huy động TPCP trong 4 tháng đầu năm đạt 46.013 tỷ đồng, tương đương 23,01% kế hoạch năm 2018.

Về kinh tế vĩ mô, UBGSTCQG nhận định rằng xu thế dài hạn của lạm phát có chiều hướng tăng cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ. Theo tính toán của UBGSTCQG dựa trên những yếu tố của thị trường hàng hóa thế giới cũng như trong nước, để đảm bảo mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% thì dư địa lạm phát còn để điều chỉnh giá dịch vụ công đến cuối năm 2018 là 1-1,2 điểm %.

Đặc biệt Ủy ban cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực đặc biệt của NSNN là NSNN đang thặng dư 11.300 tỷ đồng  (lũy kế đến 15/4/2018), trong khi bội chi là vấn đề kinh niên nhiều năm qua, và cùng kỳ năm 2017 bội chi 20.000 tỷ đồng. Nợ công cũng có những dấu hiệu tích cực, các chỉ tiêu nợ nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tính đến tháng 4/2018, nợ công/GDP ước khoảng 55,9% GDP, trong đó nợ Chính phủ khoảng 47,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 8% GDP.

Tuy tình hình NSNN 4 tháng qua có những dấu hiệu tích cực nhưng để đảm bảo cân đối NSNN bền vững, theo UBGSTCQG: cần tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi thường xuyên, tinh giản biên chế đồng thời cần đảm bảo cân đối nguồn thu chi cho BHXH, đảm bảo công tác thu BHXH có hiệu quả, có cơ chế thu hút thêm đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện. Ủy ban kiến nghị cần điều chỉnh Luật Đầu tư công nhằm tạo điều kiện để dòng vốn đầu tư TPCP sớm được khơi thông.



Đăng ký nhận tin
KienlongBank