Nhờ việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, các loại xi măng sản xuất tại Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); tiêu chuẩn châu Âu (EN), tiêu chuẩn của các nước như Hoa Kỳ (ASTM), Nhật Bản (JIS), Trung Quốc (GB)...
Thực hiện Quyết định số 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, tất cả dây chuyền xi măng lò đứng đã dừng sản xuất clinke.
Thay vào đó, các nhà máy xi măng đã và đang đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định của pháp luật về môi trường. Công tác bảo vệ môi trường, xử lý các loại rác thải, chất thải đang được Chính phủ và cộng đồng rất quan tâm.
Các tiêu chuẩn Việt Nam thường xuyên được cập nhật, bổ sung và ngày càng tương đồng với tiêu chuẩn xi măng của các nước phát triển. Nhờ đó, ngành công nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, thiết bị công nghệ sản xuất ngang tầm với mức tiên tiến trung bình của thế giới, một số đạt trình độ hiện đại.
Công nghệ sản xuất tại 84 dây sản xuất chuyền xi măng ở Việt Nam đều sử dụng phương pháp khô, lò quay, tháp trao đổi nhiệt cyclon. Các dự án đầu tư sau năm 2011 đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đạt tiêu chuẩn châu Âu.
Đặc biệt, có những dây chuyền sản xuất đã đi vào vận hành với công suất lớn (từ 4,5-5 triệu tấn xi măng/năm) và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới như: Dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Công Thanh; dây chuyền 2 và dây chuyền 3 (đang đầu tư) của Nhà máy xi măng Xuân Thành.
Trong vòng 10 năm qua (từ 2009 đến cuối năm 2019) năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần (từ 45,5 triệu tấn/năm lên khoảng gần 100 triệu tấn/năm), đưa Việt Nam từ nước phải nhập xi măng và clinker trở thành nước xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất thế giới với hơn 30 triệu tấn vào năm 2018, gấp đôi nước đứng thứ 2 là Thái Lan .
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn 29 dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 0,25 - 0,65 triệu tấn/năm. Đây là những dây chuyền đã đầu tư từ lâu, có công nghệ lạc hậu, mức tiêu hao nhiên liệu lớn, tạo ra sản phẩm có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp.
Trong thời gian tới, cần có lộ trình để nâng cấp, cải tạo 29 dây chuyền này nhằm tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh; đồng thời đầu tư những dây chuyền có quy mô công suất lớn, công nghệ hiện đại, tự động hóa và cơ giới hóa cao, tiêu hao ít nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Việt Nam sẽ đầu tư phát triển Ngành xi măng theo hai hướng: Cải tạo nâng cấp dây chuyền hiện có, đầu tư có kiểm soát các dây chuyền mới theo công nghệ cao...
Mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt đến năm 2045 phải phát triển công nghiệp xi măng đạt trình độ tiên tiến thế giới theo tiêu chí phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn.
TS. Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Trong vòng 10 năm qua (từ 2009 đến cuối năm 2019) năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam đã tăng hơn 2 lần (từ 45,5 triệu tấn/năm lên khoảng gần 100 triệu tấn/năm), đưa Việt Nam từ nước phải nhập xi măng và clinker trở thành nước xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất thế giới với hơn 30 triệu tấn vào năm 2018
Theo tapchitaichinh.vn