• English

Tin thị trường

Việt Nam thu hút 19,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2020

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao việc các cơ quan chức năng đã kiểm soát nhanh chóng đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Cách tiếp cận có mục tiêu đã giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế so với đợt cách ly toàn quốc trong tháng 4.

Ngày 19-9, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9-2020”.

vn-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-8-thang-2020

Báo cáo đánh giá cao việc các cơ quan chức năng đã kiểm soát nhanh chóng đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Tuy dịch bùng phát buộc Việt Nam phải triển khai các biện pháp hạn chế đi lại và đẩy mạnh các biện pháp khác để giảm tác động, nhưng cách tiếp cận có mục tiêu đã giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế so với đợt cách ly toàn quốc trong tháng 4.

Báo cáo cho biết, trong tháng 8 vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chậm hơn những tháng gần đây. Xuất khẩu của Việt Nam ổn định, tăng trưởng 1,42% mỗi tháng, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm đáng kể, chỉ đạt khoảng 720 triệu USD trong tháng 8 so với 3,1 tỷ USD vào tháng 7-2020. Việt Nam đã nhận được 19,5 tỷ USD vốn FDI trong 8 tháng năm 2020, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (NSA) tăng 2,1% trong tháng 8, thấp hơn một chút so với tháng 7, còn tăng trưởng doanh số bán lẻ (SA) giảm xuống 2,3% trong tháng 8 so với 5,2% trong tháng 7. Cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư trong 8 tháng năm 2020 và Ngân hàng Nhà nước tích lũy thêm khoảng 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 8, ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm nhẹ so với những tháng gần đây do giá lương thực ổn định. Trong khi đó, dư địa tài khóa đang bị thu hẹp do nguồn thu ngân sách trong 8 tháng thấp hơn 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, chi tiêu công tăng 8,2%, một phần do đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình đầu tư để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Báo cáo đánh giá, tốc độ phục hồi kinh tế trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nhu cầu trong nước sau đợt bùng phát dịch bệnh ở Đà Nẵng. Báo cáo cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến các tác động của đại dịch, sự ổn định về tài khóa và tài chính trong trung và dài hạn, cũng như các chính sách để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Theo congthuong.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank