Bà Philaslak cho biết, ADB đang trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030 và lấy ý kiến tham vấn rộng rãi ý kiến của các cổ đông và các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bà nhấn mạnh, chính sách tốt nghiệp là một phần quan trọng trong việc rà soát và xây dựng chiến lược của ADB trong thời gian tới. ADB cũng sẽ xem xét thêm về hoạt động của khu vực tư nhân tại các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn vay thông thường và vốn vay ưu đãi ADF sẽ sáp nhập làm một.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chào mừng đoàn công tác của ADB đến làm việc với NHNN, đồng thời gửi lời cảm ơn những đánh giá tích cực của bà Philaslak Yukkasemwongdành cho những thành quả trong phát triển kinh tế xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam kiên định những giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô song hành với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá rất cao sự hỗ trợ tích cực của các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có ADB, đặc biệt là những dự án hướng đến lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị…
Phó Thống đốc vui mừng thông báo một số kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được như tăng trưởng kinh tế nhiều, giảm nghèo hiệu quả, GDP tăng bình quân cao, đó là một trong những yếu tố mà ADB đánh giá Việt Nam đủ điều kiện để tốt nghiệp nguồn vốn ADF.
Theo Chính sách tốt nghiệp ADF của ADB, Việt Nam dự kiến tốt nghiệp từ 1/1/2019. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tăng trưởng kinh tế bền vững trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Về giảm nghèo, tuy đã đạt được những kết quả nói trên, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn cao. Để giảm nghèo bền vững vẫn cần các giải pháp và hỗ trợ nhiều hơn nữa bởi nguy cơ hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo.
“Trong những đề xuất trước đây khi tôi được gặp ngài Chủ tịch ADB và các cổ đông lớn của ADB tại Hội nghị thường niên, chúng tôi cũng đề xuất mong rằng ADB có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho Việt Nam để vừa tốt nghiệp được nguồn vốn ADF mà không gián đoạn công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Phó Thống đốc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế như ADB. Hiện nay, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để tiếp tục sử dụng nguồn vốn vay ODA hiệu quả. Trên thực tế, Việt Nam được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia sử dụng ODA hiệu quả. Phó Thống đốc hy vọng, trong chuyến thăm thực địa tới một số dự án thực hiện tại Việt Nam, bà Philaslak Yukkasemwong sẽ có dịp tìm hiểu và ghi nhận về tính hiệu quả của các dự án này.
Phó Thống đốc tóm tắt một số diễn biến về tăng trưởng vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm 2017, trong đó có các chính sách về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN liên quan đến tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối… cơ bản ổn định, NHNN đang tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý thí điểm nợ xấu và đang khẩn trương hoàn tất Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Phó Thống đốc mong muốn trong thời gian tới, bà Philaslak Yukkasemwong tiếp tục có tiếng nói trong Ban Giám đốc Điều hành ADB để ủng hộ phê duyệt các chương trình, dự án dành cho Việt Nam, trong đó bao gồm cả chương trình tài chính, ngân hàng. Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ngành và NHNN cam kết sẽ sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn của ADB. Phó Thống đốc cũng gửi lời cảm ơn của Chính phủ và NHNN tới ADB về những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách trong thời gian qua dành cho Việt Nam.
Bà Philaslak Yukkasemwong tin tưởng rằng, trong chiến lược chính sách đến 2030 của ADB có những rà soát, điều chỉnh, trong đó Ban Giám đốc có những linh hoạt nhất định về trường hợp tốt nghiệp ADF và chính sách trả nợ nhanh của một số quốc gia sau khi tốt nghiệp ADF để hỗ trợ các quốc gia này có lộ trình tốt nghiệp một cách tốt nhất. Về những trường hợp cụ thể, các Vụ Chính sách của ADB sẽ đề xuất lên Ban Giám đốc, đồng thời đưa vấn đề này ra Hội đồng Thống đốc tại Hội nghị thường niên năm tới để xem xét.