Cùng nhìn lại 10 sự kiện đáng nhớ nhất của Việt Nam trong 10 năm đầu tiên của thiên niên kỷ.
Cụ ông đứng thất thần bên trong ngôi nhà đổ nát vì mưa bão2010 : 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Đây là sự kiện lớn đầu thiên mở đầu cho thiên niên kỷ mới với tâm điểm là thủ đô Hà Nội. Sự kiện được tổ chức từ ngày 1/10 đến ngày 10/10 nhằm kỷ niệm tròn 1.000 năm kinh đô Thăng Long trở thành thủ đô của nước Việt, được đánh dấu bằng mốc son vua Lý Thái Tổ ban chiếu rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (nay là Hà Nội).
"Bữa tiệc ánh sáng" chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình
Trong 10 ngày diễn ra đại lễ có tới hơn 50 hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn người. Bên cạnh đó, nhiều công trình trọng điểm, hoành tráng tại Hà Nội cũng được đưa vào hoạt động để chào mừng đại lễ. Trong đó nổi bật là "Con đường gốm sứ" (ven sông Hồng trải dài qua trục đường Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư) - đạt kỷ lục Guinness cho hạng mục "Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới".
Một đoạn "Con đường gốm sư" - niềm tự hào Thăng Long - Hà Nội
Năm 2010 cũng là năm Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trên nhiều mặt đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều bất ổn sau suy thoái, 10 năm trước đánh giấu những bước phục hồi đáng kể của kinh tế trong nước, GDP năm đó tăng trưởng trên 6,7%, đạt và vượt kế hoạch đề ra với 16/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trên mặt trận văn hóa, nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh trong năm 2010. Với 4 di sản được công nhận, bao gồm: khu di tích Hoàng thành Thăng Long chính thức trở thành Di sản Văn hóa Thế giới; 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới; Hội Gióng ở Phù Đổng và Sóc Sơn được công nhận là Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại; Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Đây là kỷ lục trong hành trình đưa di sản Việt Nam vươn tầm thế giới.
Đây cũng là năm mà Toán học nói riêng và trí tuệ Việt nói chung được toàn thế giới biết đến và công nhận với Huy chương Fields - được coi là giải Nobel của Toán học được trao cho Giáo sư Ngô Bảo Châu (năm đó 38 tuổi). Huy chương của Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đánh dấu lần đầu tiên một người Việt Nam nhận được giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi trên quy mô toàn cầu.
2011: Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới
Năm 2011 đánh dấu một năm đầy thăng hoa của du lịch Việt Nam với điểm nhấn tự hào nhất là việc Vịnh Hạ Long được Tổ chức New Open World (NOW) công bố là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Thành tích này giúp đưa một quần thể danh thắng của Việt Nam vươn ra ngoài tầm vóc khu vực, sánh vai cùng các kỳ quan nổi tiếng khác của thế giới: rừng rậm Amazon (Nam Mỹ), thác Iguazu (Argentina và Brazil), đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia) và vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesca (Philippines), núi Bàn (Nam Phi).
Vẻ đẹp hùng vĩ của kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Cùng góp phần giúp nâng vị thế của du lịch Việt nói chung và du lịch văn hóa nói riêng, trong năm 2011, Di sản Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hát Xoan (Phú Thọ) lần lượt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp.
Cũng trong năm 2011, Việt Nam tổ chức thành công chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động từ Libya - nơi xảy ra bất ổn chính trị vào thời điểm đó về nước an toàn. Phần lớn số lao động này được đưa về nước qua cầu hàng không - quy mô lớn nhất trong lịch sử vào thời điểm này.
Đây cũng là năm một cuộc bầu cử lớn nhất trong lịch sử được tổ chức khi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp được tổ chức trong cùng một ngày. Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm đó và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Cũng trong năm này, hầm Thủ Thiêm (TP.HCM) - công trình ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam, hiện đại nhất khu vực có chiều dài 1,49km được đưa vào hoạt động. Trên mặt trận thể thao, đoàn Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 26 (tổ chức tại Indonesia) với 266 huy chương dành được (trong đó có 96 Huy chương vàng giúp thể thao nước nhà vươn lên đứng thứ 3 chung cuộc. Tuy nhiên, việc đội tuyển bóng đá Quốc gia không có huy chương tại giải đấu này đã gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.
Bên cạnh những điểm sáng, năm 2011 cũng chứng kiến những nốt trầm bởi dịch bệnh tay-chân-miệng lan rộng tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước với trên 90.000 ca mắc, hơn 150 người tử vong phần lớn là trẻ em. Từ tháng 10 đến đầu tháng 11 năm đó, lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long do tác động của biến đổi khí hậu làm 85 người chết, tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 4.000 tỷ đồng.
2012: Thủy điện Sơn La, vệ tinh VINASAT-2 - tự hào trí tuệ Việt
Ngày 23/12, thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó được chính thức khánh thành sau 7 năm xây dựng. Đây là sản phẩm của bàn tay, khối óc, kết tinh trí tuệ, sáng tạo của người Việt. Với tổng công suất 2.400MW và về đích sớm 3 năm so với kế hoạch được đánh giá là làm lợi cho đất nước hơn 40.000 tỷ đồng.
Thủy điện Sơn La
Vệ tinh VINASAT-2
Trước đó không lâu, vệ tinh viễn thông VINASAT-2 đã được phóng thành công vào quỹ đạo, tiếp tục giúp khẳng định chủ quyển quốc gia trên không gian vũ trụ. Với việc có 2 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, Việt Nam chính thức khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao hòa Lạc - Hà Nội. Cùng với thủy điện Sơn La, đây được coi là 2 niềm tự hào của trí tuệ Việt trong năm 2012.
Trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, năm 2012 Việt Nam giữ ổn định và duy trì tăng trưởng GDP trên 5%, thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số. Còn ở mảng văn hóa, trong năm này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được USNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, năm 2012 cũng ghi nhận một năm sôi động trong các hoạt động ngoại giao. Trong năm này, Việt Nam vinh dự đón tới 49 đoàn Lãnh đạo các nước tới thăm, 37 đoàn Lãnh đạo cấp cao của nước ta tới thăm các nước và tham dự các Hội nghị quốc tế; kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào.
Đây cũng là năm Việt Nam thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông giúp giảm mạnh về cả số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Trong khi đó, thể thao năm 2012 lại không gặt hái được nhiều thành công, được nhiều người nhớ tới bởi thất bại ê chề của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup - bị loại ngay từ vòng bảng.
2013: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tướng huyền thoại của dân tộc từ trần ở tuổi 103
Ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc được cả thế giới kính trọng đã qua đời ở tuổi 103. Sự ra đi của Đại tướng là nỗi mất mát to lớn của cả dân tộc để lại nỗi tiếc thương sâu sắc trong lòng mỗi người Việt Nam. Thời điểm đó, hình ảnh hàng nghìn người đủ mọi tầng lớp xếp hàng dài trên phố Hoàng Diệu (Hà Nội) chờ được đặt hoa trước vong linh Đại tướng là khoảnh khắc không thể nào quên.
Bên cạnh nỗi đau mất mát, năm 2013 cũng chứng kiến nhiều cột mốc đáng nhớ khác, như việc dân số Việt Nam chính thức đạt ngưỡng 90 triệu người với tiếng khóc chào đời của công dân thứ 90 triệu vào 1/11. Con số này đưa nước ta trở thành quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới với cơ cấu dân số vàng, tức là ít nhất có 2 người trong tuổi lao động "nuôi" 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi quy mô dân số cần phải gắn liền với chất lượng dân số và cơ cấu dân số vàng gắn với chất lượng nguồn nhân lực.
Cũng trong năm thứ 3 của thập kỷ, bằng những hành động quyết liệt của chính phủ và cả hệ thống chính trị, nhiều đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được đưa ra xét xử, nhiều bị cáo bị tuyên ở mức án tử hình.
Đây cũng là năm chứng kiến những con số về khí hậu, thiên tai đáng báo động với số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ở mức cao kỷ lục. Có tới 19 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam, trong đó có cơn bão số 10 và 11 để lại hậu quả nặng nề nhất. Gần 300 người thiệt mạng, hơn 25.000 tỷ thiệt hại vật chất là những gì thiên tai đã lấy đi.
2014: Nhiều công trình "khủng" được đưa vào hoạt động giúp đất nước "thay da đổi thịt"
Năm 2014, sau nhiều năm được coi là "đại công trường" với hàng loạt dự án được triển khai trên khắp cả nước, nhiều công trình trọng điểm đã được đưa vào hoạt động. Nổi bật trong đó có thể kể tên: Tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, cầu Nhật Tân, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhà ga quốc tế T2 Sân bay Nội Bài.
Cầu Nhật Tân rực rỡ về đêm - công trình giúp rút ngắn thời gian từ Sân bay Nội Bài về Hà Nội và tới các tỉnh thành phố phía Bắc khác, được coi "lời chào" của một Việt Nam đổi mới, hiện đại với bạn bè quốc tế
Trong năm này, kinh tế đất nước cũng bắt đầu khởi sắc, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng thấp nhất trong vòng 10 năm, sản xuất công-nông nghiệp tăng trưởng, xuất khẩu đạt kỷ lục 150 tỷ USD, thị trường tài chính, ngân hàng được cải thiện.
Ngoài ra, điểm nhấn không thể không nhắc đến trong năm 2014 là cuộc giải cứu "thần kỳ" 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dân - Đa Chôm (Lâm Đồng). 14h30 ngày 19/12, sau 82 giờ ứng cứu không ngừng nghỉ, lực lượng cứu hộ hơn 700 người đã giải thoát thành công 12 nạn nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo, xảy ra sáng ngày 16/12, và đưa tất cả nạn nhân ra ngoài an toàn. Sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan chức năng và lực lượng cứu hộ được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Nhiều sự kiện trọng đại của đất nước cũng được tổ chức thành công, bao gồm: 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 60 năm Giải phóng Thủ đô; 15 năm Hà Nội được vinh danh là Thành phố Vì hòa bình.
2015: Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1"
Đây là bước đổi mới quan trong với giáo dục Việt Nam. Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lần đầu tiên Kỳ thi THPT Quốc gia đã được tổ chức trên cơ sở hợp nhất hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, thí sinh chỉ phải tham dự duy nhất Kỳ thi THPT Quốc gia để công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho việc xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này giúp giảm áp lực cho thí sinh, thu gọn thời gian tổ chức thi, giảm phiền hà, tốn kém cho các gia đình và toàn xã hội, đồng thời góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề.
Năm 2015 tiếp tục là một năm khởi sắc của kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, kinh tế trong nước lại ghi nhận sự tăng trưởng, GDP tăng 6,6% - mức tăng cao nhất so với 4 năm trước đó. Việt Nam cũng kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại, tạo cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của khu vực và thế giới.
2016: Việt Nam có huy chương vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Đây là tấm huy chương cao quý mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đem về với nội dung 10m súng ngắn hơi tại Thế vận hội mùa hè năm 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil. Với 202,5 điểm ở chung kết nội dung 10 súng hơi nam, Hoàng Xuân Vinh không chỉ phá kỷ lục Olympic mà anh còn ghi tên mình vào lịch sử thể thao Việt Nam với tấm Huy chương Vàng đầu tiên.
Bên cạnh thành công sáng chói trên đấu trường thể thao, năm 2016 Việt Nam còn ghi nhận bước tiến lớn trong quan hệ ngoại giao, trong đó cụ thể có quan hệ với Mỹ - đánh dấu bằng chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Barack Obama. Trong chuyến thăm, ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.
Điểm nhấn của chuyến thăm còn là Mỹ chủ động tạo sự kết nối giữa Tổng thống Barack Obama với người dân Việt Nam ở những nơi ông đặt chân đến như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng thống Barack Obama cũng đã dẫn lời "Nam quốc sơn hà" nổi tiếng của Lý Thường Kiệt trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia; Ông cũng đã bất ngờ xuất hiện tại quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu ở Hà Nội chiếm được rất nhiều tình cảm của người dân Thủ đô.
Hình ảnh ông Obama thoải mái đi ăn bún chả, thể hiện sự gần gũi, thân thiện gây được thiện cảm với người dân Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Ở mặt còn lại, năm 2016 có thể được coi là một năm đáng buồn với hàng loạt thảm họa môi trường và thiên tai khắc nghiệt.
Đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sau đó lan ra suốt một dải 200 km bờ biển miền Trung của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Vụ ô nhiễm môi trường biển này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng.
Sau hơn 2 tháng cả hệ thống chính trị vào cuộc truy tìm nguyên nhân, thủ phạm được chỉ ra là chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ sinh thái một vùng đáy biển.
Ngày 29/6, Công ty Formosa đã thừa nhận là thủ phạm gây ra sự cố này và lãnh đạo công ty này đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam cũng như đền bù thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền Trung với số tiền 500 triệu USD để khắc phục sự cố môi trường biển.
Đợt hạn hán tại lưu vực sông Mekong, đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long đầu năm 2016 được coi là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Ở khu vực Tây Nguyên, lượng nước trên các hồ ao, công trình thủy lợi đều bị cạn kiệt gây nhiều thiệt hại to lớn về vật chất.
2017: Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới
2017 là một năm chứng kiến những hoạt động đối ngoại sôi động, thành công và ghi đậm nhiều dấu ấn của Việt Nam, tiếp tục đưa nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Trong năm này, Việt Nam cũng vinh dự đón nhiều lãnh đạo cấp cao của các cường quốc tới thăm, như: Tổng thống Mỹ Donald Trump (11/2017), Thủ tướng Nhật Bản (1/2017)…
Điểm nhấn của hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế trong năm này chính là việc đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC 2017. Với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng, đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.
Việc Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức năm APEC trong vòng hơn 10 năm qua là một minh chứng sinh động cho sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam cũng như nỗ lực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
Cũng trong năm 2017, 1 lần nữa trí tuệ Việt lại khiến cả thế giới phải "ngả mũ" khi lần đầu tiên, Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng tại Olympic Toán quốc tế. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam giành được trong suốt lịch sử 43 năm tham dự kỳ Olympic này.
Thành công cũng đến với mảng thể thao và văn hóa trong năm 2017. Thể thao Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành tích và dần khẳng định vị thế tại khu vực. Tại SEA Games 29 diễn ra tại Malaysia từ ngày 19 - 31/8/2017, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc đứng ở vị trí thứ ba toàn đoàn với 58 huy chương Vàng, 50 huy chương Bạc và 60 huy chương Đồng. Trong đó, điền kinh thắng lớn với 17 huy chương Vàng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan, xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn…
Sau đó không lâu, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra trong hai ngày 7 và 8/12 tại Hàn Quốc, đã nhất trí ghi danh hồ sơ "Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam" và "Hát Xoan Phú Thọ" của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, Hát Xoan Phú Thọ được chuyển từ danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh mục di sản trên nhờ những nỗ lực to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy di sản này suốt sáu năm qua.
Đây là sự kiện mang ý nghĩa lớn, tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo và khẳng định tính hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Việt Nam. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có tổng cộng 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2018: "Thường Châu tuyết trắng" và sự khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam
Năm 2018 đánh dấu mốc son một hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam với những thành tích vang dội trên đấu trường khu vực và châu lục. Mốc son này đã thồi một luồng sinh khí mới, tạo cú hích mạnh mẽ và động lực to lớn cho sự phát triển vượt bậc của bóng đá nước nhà về sau.
Hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam bắt đầu bằng việc trở thành Á quân Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra vào tháng 1/2018, tại Trung Quốc. Đội tuyển U23 Việt Nam đã vượt qua hàng loạt những đội bóng tên tuổi của bóng đá châu Á, trở thành Á quân của Giải.
Tháng 8/2018, cảm hứng từ Vòng chung kết U23 châu Á tiếp tục giúp Olympic Việt Nam nối dài thành công ở đấu trường Á vận hội (ASIAD 2018) khi giành vé vào tứ kết ASIAD 2018.
Cuối cùng, sau 10 năm chờ đợi, tháng 12/2018, đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup), khép lại một năm đầy thành công của bóng đá Việt Nam.
Năm 2018 cũng chứng kiến nhiều thành tựu nổi bật trong y học như việc lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não của các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Thời gian này đánh dấu việc Việt Nam hiện đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng và thường gặp trong lâm sàng, như: thận, tim, gan, tụy, phổi, tiến hành hơn 1.500 ca ghép mỗi năm với tỷ lệ thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Mảng kinh tế cũng gặt hái được nhiều thành công trong năm này với chỉ số tăng trưởng GDP cao nhất so với 9 năm trước đó.
2019: Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội
Đây là sự kiện giúp cái tên Việt Nam một lần nữa được truyền thông quốc tế liên tục nhắc tới với việc thực hiện thành công vai trò chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 được đánh giá là sự kiện chính trị đối ngoại có ý nghĩa to lớn, có tầm quan trọng đối với Việt Nam, Mỹ, Triều Tiên và các nước trên thế giới, thu hút sự quan tâm của nhân dân, truyền thông trong nước cũng như thế giới.
Hội nghị đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình duy trì ổn định, hòa bình, hợp tác và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; thể hiện vai trò của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định, hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới; tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam đảm nhận vai trò lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế trong thời gian tiếp theo.
Dư luận quốc tế đã đánh giá Việt Nam là nước thành công nhất, được lợi nhiều nhất từ sự kiện này. Đây là thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam, giúp củng cố vị thế và vai trò mới trong khu vực, có ý nghĩa lớn về mặt chính trị và chiến lược khi thể hiện được hình ảnh đẹp của một quốc gia đang phát triển ngày càng thịnh vượng, mở cửa, mến khách, sẵn sàng làm trung gian hòa giải, đóng góp cho hòa bình thế giới.
Trong năm này, Việt Nam còn tổ chức thành công rất nhiều sự kiện quốc tế lớn khác, trong đó có thể kể tên Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tổ chức tại Việt Nam đã trở thành ngày hội văn hoá chan hoà tinh thần đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hoà bình, đoàn kết và yêu thương. Đại lễ được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với sự tham gia của trên 3000 đại biểu đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi đã thành công viên mãn.
Ngoài ra, trong năm 2019, Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như việc được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 30; thành công ký hiệp định tự do thương mại với EU...
2020: COVID-19, mưa lũ-sạt lở kinh hoàng ở miền Trung - tiếng gọi từ tinh thần đoàn kết dân tộc và sự biết ơn!
Năm 2020 chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là kết thúc. Cho tới thời điểm hiện tại, COVID-19 từ đầu năm và mưa lũ, sạt lở kinh hoàng ở Miền trung hồi tháng 10 sẽ là điều đáng nhớ nhất với mỗi người dân Việt Nam.
Không bất cứ sự hoài nghi nào về nỗi sợ hãi mang tên COVID-19 nữa, từ bệnh nhân số 0 (được cho là ở một khu chợ tại TP Vũ Hán - Trung Quốc) tới nay (ngày 16/12) trên toàn thế giới đã ghi nhận 73.904.629 ca mắc bệnh và 1.644.121 người trong số đó đã tử vong. Tại Việt Nam, con số lần lượt là 1405 ca mắc và 35 người tử vong.
Tới thời điểm hiện tại, COVID-19 đã có mặt và gây ra những ảnh hưởng nặng nề ở cả 3 miền đất nước, đối với tất cả mọi mặt của đời sống, xã hội, kinh tế. Những ca bệnh mới, những "ổ dịch" xuất hiện, những khu cách ly được thành lập trong suốt 1 năm qua đủ để khiến năm 2020 rồi sẽ được nhớ đến với 2 từ "ám ảnh".
Khi "ám ảnh Cô Vít" vẫn còn đó thì mùa mưa bão lại về. Mùa mưa bão năm nay chứng kiến sức tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên gây nên bởi "đại hồng thủy lịch sử" và những trận sạt lở kinh hoàng tại các tỉnh miền Trung, cướp đi sinh mạng của nhiều người, nhiều ngôi nhà bị nhấn chìm, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi hoặc nằm đâu đó dưới đống đổ nát.
Theo thống kê, tính đến ngày 6/11, mưa lũ và bão tại khu vực miền Trung đã khiến 237 người chết và mất tích, hơn 186.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái... và hơn 400.000 ngôi nhà bị ngập. Thiệt hại về kinh tế lên tới trên 28.000 tỷ đồng.
Cụ ông đứng thất thần bên trong ngôi nhà đổ nát vì mưa bão
Tuy nhiên, bên cạnh những mất mát đau thương như vừa kể trên, năm 2020 cũng là năm mà tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của người Việt được chứng tỏ rõ ràng nhất. Khi dịch COVID-19 ở vào giai đoạn cao điểm, hàng triệu chiếc khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đã được tặng miễn phí, nhiều suất cơm đã được đồng bào gửi đến bà con các khu vực bị cách ly vì dịch.
Ở thời điểm khó khăn đó, người ta cũng thấy những sự hy sinh quên mình, nỗ lực không ngừng nghỉ từ đội ngũ y bác sĩ giúp người bệnh vượt qua đau đớn, giúp dịch bệnh dần được kiểm soát. Tới bây giờ và nhiều năm về sau nữa, họ sẽ được nhớ đến với sự biết ơn!
Khi mưa lũ và những cơn bão ập đến với đồng bào miền Trung, hàng nghìn cano 0 đồng, hàng trăm tỷ đồng ủng hộ, hàng "container" bánh chưng và như yếu phẩm được người dân khắp cả nước gửi về miền Trung. Nhiều đoàn cứu trợ từ khắp nơi không ngại khó khăn gian khổ và cả hiểm nguy để tới tận nơi giúp đỡ đồng bào mình vượt qua khó khăn, mất mát.
Những chuyến cano đầy ắp hàng cứu trợ sẵn sàng đi sâu vào tâm lũ để hỗ trợ người dân
10 năm đã trôi qua kể từ khi thiên niên kỷ thứ 2 bắt đầu, đây là một thập kỷ đầy tự hào với hàng loạt những thành tự mà Việt Nam đã đạt được. Năm 2020 khéo lại thập kỷ đầy tự hào đó bằng 1 năm nhiều mất mát, nhưng hơn hết nó nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam chúng ta về thứ tinh thần đã làm nên "thương hiệu" của đất Việt, người Việt, đó là tinh thần đoàn kết.
Theo cafebiz.vn