• English

Tin thị trường

Vì sao tiếp cận tín dụng của Việt Nam dễ thứ 29 trên thế giới?

(Chinhphu.vn) – Hệ thống ngân hàng Việt Nam khác với các ngân hàng trên thế giới khi đang phải gánh thêm cả nguồn lực mà đáng lẽ nguồn vốn phải giải quyết trên thị trường vốn. Dù vậy, theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số thuận lợi về tiếp cận tín dụng của Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu.

.

 Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao cải cách thủ tục trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngày 20/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng”.

 

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ sự phát triển cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 tăng 14 bậc, từ 82 lên 68. “Riêng chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ 29, nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Việt Nam hiện cũng chỉ có 2 chỉ số nằm trong top này”, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

 

Đại diện VCCI phân tích, ở các quốc gia trên thế giới, nguồn vốn trung và dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, chứ không chỉ từ ngân hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam 55% vốn trung và dài hạn do ngân hàng cung ứng.

 

“Điều mà ngành ngân hàng làm được đối với nền kinh tế còn hơn cả những con số. Hiện nay có 80% nguồn vốn tín dụng đang dành cho khu vực sản xuất kinh doanh, nguồn cung ứng tín dụng cho BOT ổn định và có xu hướng giảm”, TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá.

 

Theo số liệu của VCCI, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, 97% là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số này có đến 85-90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 1 số doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn.

 

Trong khi đó, trong chiến lược của các nền kinh tế APEC thì các động lực được xác định là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Cùng với đó, hai lĩnh vực được các nền kinh tế APEC đặc biệt quan tâm và xác định định là động lực, cũng phù hợp với kinh tế Việt Nam, đó là nông nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, cần có những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. 

 

Tuy vậy, các loại hình doanh nghiệp này thường thiếu hoặc không có tài sản thế chấp, thiếu kinh nghiệm quản lý, quy mô hoạt động nhỏ, dễ bị tác động bởi sự thay đổi của thị trường, thông tin còn thiếu minh bạch và cơ chế quản lý dòng tiền chưa thuyết phục được ngân hàng.

 

“Do đó, ngành ngân hàng không thể tự mình giải quyết, các cơ quan những biện pháp đồng bộ tháo gỡ khung khổ pháp lý, ngành ngân hàng có biện pháp thúc đẩy cho vay trong lĩnh vực này”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

 

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, trên thực tế, ngân hàng Việt Nam khác với các ngân hàng trên thế giới khi đang phải gánh thêm cả nguồn lực mà đáng lẽ nguồn vốn phải giải quyết trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dù vậy, ngành ngân hàng vẫn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

 

Theo ông Đào Minh Tú, đánh giá khách quan của WB cho thấy, Việt Nam đã có chỉ số Tiếp cận tín dụng 29/190 quốc gia là do đã tạo dựng được một hành lang pháp lý để quan hệ tín dụng thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Việt Nam đã tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Còn kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2015, 2016 NHNN được xếp vị trí thứ nhất trong số các Bộ, ngành.

 

Tuy nhiên, dù có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ tích cực, nhưng một số vùng miền, vẫn có những trường hợp khó khăn vướng mắc, đòi hỏi các ngân hàng, doanh nghiệp và hộ nông dân cần tích cực tháo gỡ. Cần hiểu rằng, các ngân hàng hết sức hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân vay vốn nhưng một mặt vẫn phải tuân thủ các quy định, vì vốn cho vay cũng là tiền từ huy động của dân, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm bảo toàn.

 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định quan hệ tín dụng là bình đẳng giữa DN, hộ nông dân và ngân hàng. Các ngân hàng không được yêu cầu thêm thủ tục, nhưng ngược lại doanh nghiệp không thể yêu cầu ngân hàng cho vay ngoài quy định.

 

Lý giải về bước tiến mới, ông Đào Minh Tú khẳng định, đi vay không hề khó khăn, quan hệ 2 bên hoàn toàn bình đẳng, giữa người cho vay và người đến vay vốn.

 

Hành lang pháp lý đã được thực hiện trên cơ sở Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, Nghị quyết 42, Thông tư 39/TT-NHNN và đặc biệt là cơ chế do NHNN ban hành.

 

Trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 của Chính phủ, NHNN đã định hướng mục tiêu tổng quát là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

 

Kết quả cụ thể trong lĩnh vực cải cách TTHC, NHNN đã tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục để kiểm soát chặt việc ban hành các TTHC, đảm bảo tinh thần cải cách, minh bạch. Toàn bộ quá trình giải quyết TTHC tại NHNN được quản lý và thực hiện thống nhất theo tiêu chuẩn ISO và cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả. Chỉ tính riêng trong hai năm 2016, 2017 NHNN đã rà soát, đơn giản hóa và ban hành theo thẩm quyền các thông tư bãi bỏ 22 TTHC, ban hành phương án sửa đổi 48 TTHC; tổng số chi phí tuân thủ cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ TTHC.

 

Về cải cách TTHC của các tổ chức tín dụng (TCTD), mặc dù cũng là loại hình doanh nghiệp, tuy nhiên theo chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Các TCTD đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên Trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết. Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn, sản phẩm được đa dạng hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking...).

 
 

“Hệ thống thông tin tín dụng do NHNN đang chỉ đạo điều hành có kho dữ liệu lớn, giúp đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tình hình tài chính từ quá khứ đến hiện tại. Ngược lại, người đi vay cũng nắm được thông tin ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã cung ứng rất nhiều sản phẩm đa dạng trên cơ sở cắt bỏ thủ tục rườm rà”,  Phó Thống đốc cho biết.

Huy Thắng

Báo Chính phủ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank