Sáng nay (12/12), VBF 2017 đã khai mạc chủ đề “VBF – 20 năm đồng hành cùng cộng đồng DN và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng.
Cộng đồng DN Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng và mạnh lên về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa của nền kinh tế trong 20 năm qua tăng trưởng cao, liên tục. VBF 2017 là một diễn đàn ghi dấu ấn kỷ niệm tròn 20 năm triển khai sáng kiến Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), kể từ Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm 1997 tại Tokyo. 20 năm qua VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN.
Tại Việt Nam đang nổi lên nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh không chỉ với trong nước mà trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy cơ hội để DN Việt Nam trỗi dậy là rất lớn.
Thủ tướng khẳng định, chính cộng đồng DN là những người tạo nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới, là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò là nhà kiến tạo phát triển.
“Năm 2017 sắp đi qua, đến thời điểm này Chính phủ có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân”, Thủ tướng phát biểu.
“Chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm vui về những thành công và sự phát triển vượt bậc của Cộng đồng DN Việt Nam. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội”, Thủ tướng nói.
Ngoài những cam kết, hành động của mình, Chính phủ cũng đặt kỳ vọng về một lớp DN và một thế hệ doanh nhân mới. Thực tế phần lớn DN Việt Nam hiện nay vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vậy làm sao để DN Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở đối với lãnh đạo Chính phủ.
Chính phủ luôn khuyến khích tinh thần cạnh tranh công bằng giữa tất cả các loại hình DN, mong muốn các DN hoạt động kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và khuyến khích áp dụng công nghệ quản trị hiện đại và hướng tới áp dụng các chuẩn mực cao của OECD.
Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng DN chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam.
“Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và DN kinh doanh, khởi nghiệp tại Việt Nam nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, lợi dụng quan hệ, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để trục lợi... “, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng cho biết: Chính phủ cũng kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các DN có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên; gây ảnh hưởng tiêu cực tới các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp, trẻ vị thành niên, phân biệt đối xử, ít quan tâm đến quyền lợi người lao động; sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại…
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các cấp, các ngành. Những nỗ lực này đã tạo thêm niềm tin cho cộng đồng DN. Tuy nhiên nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… đã có ý kiến phát biểu với nhiều khuyến nghị, sáng kiến về khung pháp luật, chính sách vĩ mô, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế.
Thay mặt các DN, ông Ryu Hang Ha – Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần cải tiến các quy định bất hợp lý gây cản trở đầu tư và gia tăng gánh nặng quá mức cho các DN.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của DN, của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể.
Trong bối cảnh mới, các cơ quan Chính phủ cũng đã thay đổi cách tiếp cận trong tham mưu, hoạch định và thực hiện chính sách, nâng cao vai trò của người dân, DN.
Nhiều Nghị quyết quan trọng đã được ban hành trong thời gian qua như: Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hay Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN tới năm 2020. Năm 2017 cũng được xác định là năm giảm chi phí cho DN. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra DN…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của các DN. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện hành trong lĩnh vực quản lý đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các DN.
VBF 2017 tiếp tục với 3 phiên: Phiên 1 bàn việc nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận điều kiện lao động trong các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, hợp tác chuyển giao công nghệ giữa DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) và DN trong nước, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với FDI tại Việt Nam.
Phiên 2 có chủ đề Thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính, chủ đề chính của phiên này là mô hình hợp tác công tư/quỹ tư nhân, tiếp cận tài chính cho DN tư nhân trong nước, phát triển ngành Ngân hàng.
Phiên 3 gồm các nội dung liên quan cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho DN tư nhân bứt phá. Tại đây, các đại biểu sẽ tập trung vào vấn đề cải cách thủ tục hành chính và các vấn đề thuế, quản trị minh bạch và liêm chính.