Thông tư 22 đưa vàng trở thành “một nguyên tệ” song song với VND và các đồng ngoại tệ khác trong hạch toán giao dịch của TCTD. Theo đó, sẽ giúp thao tác nghiệp vụ nhanh hơn so với quy định trước đây là phải quy đổi giá vàng đưa vào VND hạch toán.
Thông tư 22/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của hệ thống tài khoản kế toán của các TCTD chính thức có hiệu lực vào ngày 1/4/2018 ở Điểm 8.3 Điều 1 có đoạn, vàng tại các TCTD được “hạch toán tương tự như ngoại tệ”, đơn vị tính bằng chỉ vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua, bán vàng thông qua tài khoản để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ. Điều này đã làm cho nhiều đơn vị truyền thông mấy ngày qua hiểu “vàng được coi là một loại ngoại tệ” trong các giao dịch ngoài xã hội.
Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM giải thích: Từ trước tới nay, khi hạch toán kế toán trong các TCTD, hoạt động kinh doanh vàng được quy đổi ra VND và đưa vào hạch toán bên cạnh các loại ngoại tệ như USD, AUD, EUR, GBP, CNY … Các giao dịch vàng vật chất tính theo chỉ vàng, lượng vàng của TCTD luôn nằm ở ngoại bảng và chỉ được hạch toán vào nội bảng khi được quy đổi ra VND.
Hiện nay, Thông tư 22 đưa vàng trở thành “một nguyên tệ” song song với VND và các đồng ngoại tệ khác trong hạch toán giao dịch của TCTD. Theo đó, sẽ giúp thao tác nghiệp vụ nhanh hơn so với quy định trước đây là phải quy đổi giá vàng đưa vào VND hạch toán.
Thực tế, hoạt động hạch toán kế toán trong kinh doanh vàng của các TCTD hiện nay chỉ còn những giao dịch mua và bán. Vậy nên mới có phân biệt tài khoản mua/bán vàng ký hiệu bằng mã số 4711 và 4712 trong công tác sổ sách của TCTD. Hoạt động huy động và cho vay vàng trong hệ thống các TCTD đã chấm dứt từ đầu năm 2012 bằng Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng của Chính phủ. Việt Nam hiện không sản xuất vàng vật chất mà nhập khẩu, nên vàng có liên quan mật thiết đến ngoại tệ.
Trong pháp lệnh ngoại hối hiện hành cũng chỉ xác định “vàng tiêu chuẩn quốc tế” mới được coi như ngoại tệ. Hiện nay vàng tiêu chuẩn quốc tế có hai loại: những khuôn vàng quốc tế được các quốc gia có sản xuất vàng đúc thành nguyên khối dành cho Ngân hàng Trung ương các quốc gia gửi trong các định chế tài chính quốc tế làm dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, một số quốc gia khu vực Tây Á như Dubai nổi tiếng với vàng nữ trang cũng xây dựng được thương hiệu vàng nữ trang tiêu chuẩn quốc tế - du khách mua những loại nữ trang vàng này có thể giao dịch được trên khắp toàn cầu.
Luật pháp Việt Nam hiện quy định vàng là một loại hàng hóa đặc biệt. Sau nhiều nỗ lực và các biện pháp chống “vàng hóa” nền kinh tế của Chính phủ và đặc biệt, niềm tin vào VND ngày càng được nâng lên, nên hiện nay không còn tình trạng người dân dùng vàng làm phương tiện thanh toán giao dịch bất động sản, xe cộ, hàng hóa… như những năm xa xưa.
Đình Hải
Thời báo Ngân hàng