• English

Tin thị trường

Vấn đề quản lý nợ công làm 'nóng' phiên chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

(TBTCO) - Giải pháp nào để đảm bảo an toàn nợ công khi áp lực trả nợ ngày càng lớn? Trách nhiệm kiểm soát hiệu quả sử dụng nợ công ra sao để có nguồn trả nợ? Với tình hình quản lý ODA hiện nay có đảm bảo vay ODA giai đoạn 2016 – 2020 trong mức Quốc hội cho phép, có giữ được trần nợ công hay không?
 

Đây là một loạt những câu hỏi nóng liên quan đến vấn đề quản lý nợ công được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội sáng 16/11. 

Tốc độ tăng nợ công chậm lại, cơ cấu thay đổi tích cực

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề nợ công tăng cao đang là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động từ thuế và phí có xu hướng giảm, chúng ta vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới… "Vậy, Chính phủ có giải pháp gì để kiểm soát rủi ro này, đảm bảo an toàn nợ công" - đại biểu nêu câu hỏi. 

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính thời gian qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2017, ngành Tài chính đã nỗ lực góp phần kiểm soát chi chặt chẽ hơn, từ đó kéo giảm bội chi, tỷ lệ nợ công cũng giảm từ 63,6% xuống 62,6% GDP. Tuy vậy, quy mô nợ gốc và lãi phải trả cũng tăng nhanh trong thời gian qua. “Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo vốn cho đầu tư phát triển?” - đại biểu đặt câu hỏi.  

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đúng như các đại biểu đánh giá, giai đoạn vừa qua, nợ công đã tăng nhanh. Tốc độ tăng giai đoạn năm 2011 – 2015 là 18,4% mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2017, tốc độ tăng đã được kiểm soát chậm lại ở mức 9%. Để kiểm soát nợ công, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp đồng loạt, trong đó có việc báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính 5 năm, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công… 

Với nhiều nỗ lực được triển khai mạnh mẽ, bước đầu nợ công đã có cải thiện tích cực. Các chỉ tiêu trong giới hạn cho phép, tốc độ gia tăng nợ công được kiểm soát chậm lại. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) được kéo dài gấp đôi trong khi lãi suất giảm một nửa. Cụ thể, nếu lãi suất năm 2011 là 12,01% thì đến năm 2016 chỉ còn 6,48% năm. 10 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 6,04%/năm. Danh mục nợ Chính phủ cũng được cải thiện. Cuối tháng 10/12017, kỳ hạn danh mục TPCP đã được kéo dài mạnh lên 6,7 năm, so với năm 2013 chỉ là 2,98 năm. 

Không những vậy, tỷ lệ nợ vay trong nước và nước ngoài cũng được thay đổi mạnh. Nợ trong nước hiện chiếm tỷ lệ gần 61% trong tổng số nợ công, nợ nước ngoài chỉ còn hơn 39%, ngược lại với tỷ lệ năm 2011. Năm 2015 – 2016 , nợ TPCP do các ngân hàng thương mại nắm giữ là hơn 78,9%, đến năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 54%. Bộ Tài chính cũng đã phát triển mạng lưới thông qua Quỹ Bảo hiểm xã hội, các quỹ đầu tư, các quỹ bảo hiểm khác…. 

Kiểm soát nợ công đang đi đúng hướng 

“Đây là một kết quả rất tốt, chúng ta đã tranh thủ thuận lợi của thị trường để thay đổi lớn về cơ cấu TPCP. Ý nghĩa quan trọng của việc này là góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ, giải quyết được đỉnh nợ giai đoạn 2016 – 2017” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm. 

Khẳng định việc kiểm soát nợ công vẫn cần phải tiếp tục mạnh mẽ hơn, nhưng Bộ trưởng cũng đánh giá bước đầu các kết quả, giải pháp kiểm soát nợ công đã được triển khai đúng hướng, hiệu quả, từ việc hoàn thiện thể chế đến tăng cường kiểm soát, bao gồm cả việc kiểm soát hiệu quả chi tiêu của nợ công. 

Nêu ý kiến tranh luận thêm về phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết, mặc dù Bộ trưởng đã trình bày về nhiều giải pháp kiềm chế đà tăng nợ công đang được triển khai hiệu quả, tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả nợ công, hơn là các con số.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn: "Nợ công không xấu, nhưng nếu đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu. Bởi nó gây thiệt hại kép là làm áp lực trả nợ tăng, ngân sách còn phải bù lỗ cho những dự án kém hiệu quả, thất thoát lớn. Bên cạnh đó, còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe kinh tế, đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế". Vì vậy đại biểu đề nghị làm rõ hơn vấn đề đầu tư công hiệu quả ra sao. 

Đây cũng là vấn đề đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) lo ngại và đề nghị làm rõ về những bất cập, tồn tại trong triển khai đầu tư công tồn tại lâu nay. 

Đồng tình với đánh giá của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, chất lượng đầu tư công chính là vấn đề trọng tâm và hiện đang kiểm soát trong chương trình tái cơ cấu đầu tư công. Về quản lý nhà nước, đây là trách nhiệm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành, địa phương sử dụng vốn đầu tư.

Về phía mình, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, trong đó có chuyển từ cấp phát sang cho vay lại để làm rõ trách nhiệm sử dụng, hạn chế tối đa bảo lãnh chính phủ; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành địa phương để kiểm soát trần nợ công, đi đôi với việc hoàn thiện pháp luật về nợ công. 

Vốn vay ODA vượt kiểm soát, nợ công có giữ được trần?  

Tham gia trả lời trong phiên chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận một thực tế, giai đoạn trước khi chưa có Luật Đầu tư công, việc quản lý đầu tư còn tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách, ở cả trung ương và địa phương.

Trong giai đoạn 2005 – 2010 và 2011 – 2015, mỗi giai đoạn có đến hơn 20.000 dự án của cả địa phương và bộ ngành mà không rõ nguồn vốn ở đâu nên dẫn đến tình trạng dàn trải, thất thoát lớn, nhiều dự án phải giãn, hoãn. Đến giai đoạn hiện nay, số dự án chỉ còn hơn 1.000, giảm mạnh so với trước và bám sát khả năng cân đối của ngân sách. Nợ đọng từ giai đoạn trước được tổng kết để xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, vẫn còn những dự án phê duyệt chưa sát thực tế, tổng mức đầu tư vượt nhiều so với nhu cầu, khả năng mà chúng ta chưa có biện pháp kiểm soát. Về vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan xây dựng định mức để làm cơ sở tính tổng mức đầu tư phù hợp hơn. 

Cùng với việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp rà soát để trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện. Liên quan đến vốn vay ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần đẩy nhanh các thủ tục để giải ngân sớm các dự án ODA trong bối cảnh vốn ODA giảm dần, nhiều ưu đãi sẽ kết thúc vào năm 2018. 

Sau phần trả lời của hai bộ trưởng, nhiều đại biểu tiếp tục nêu ý kiến tranh luận và đặt câu hỏi về nội dung này. Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) cho rằng, biện pháp quan trọng nhất để đảm bảo an toàn nợ công là phải sử dụng hiệu quả nợ công. Nguyên nhân hiệu quả sử dụng nợ công kém chưa được nêu rõ là tình trạng phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian qua.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu vấn đề về thông tin từ báo cáo Chính phủ cho biết, kế hoạch vay ODA 300.000 tỷ đồng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn có nguy cơ bị vượt trần, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? 

Đặt vấn đề cụ thể hơn về vốn vay ODA, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, nhiều năm qua việc quản lý ODA đã bộc lộ rõ các bất cập như nhiều năm vượt dự toán, ký kết vay nợ chưa đánh giá tác động đến nợ công… “Thẳng thắn mà nói thì tổng mức vay ODA hiện đang ngoài tầm kiểm soát. Uỷ ban Tài chính ngân sách đã yêu cầu báo cáo nhưng chưa có thông tin. Với tình hình quản lý hiện nay, liệu chúng ta có đảm bảo vay ODA giai đoạn 2016 – 2020 trong mức 300.000 tỷ đồng Quốc hội cho phép hay không? Có giữ được trần nợ công ko ?” - đại biểu nêu câu hỏi.

Đầu giờ chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phần trả lời chất vấn của mình với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. TBTCO sẽ tiếp tục cập nhật nội dung trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng./.

Hoàng Yến/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank