• English

Tin thị trường

Vai trò của DN trong tăng trưởng kinh tế cao

Tại sao một số nền kinh tế mới nổi lại tăng trưởng nhanh và nhất quán hơn so với các nền kinh tế còn lại? Đó là câu hỏi được Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) đặt ra trong một phân tích mới nhất trên 71 quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Theo đó, 18 nền kinh tế (chiếm 1/4) được đánh giá là “đạt hiệu quả vượt trội hơn” bao gồm: 7 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hơn 3,5% trong vòng 50 năm (giai đoạn từ 1965 đến 2016) là Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Bên cạnh đó, 11 nền kinh tế khác có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn, đạt mức 5% mỗi năm trong 20 năm từ 1996 đến 2016, là Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

Không phủ nhận vai trò của chính sách vĩ mô trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nhưng những người làm nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò trọng yếu của DN trong việc thúc đẩy của một nền kinh tế hiệu quả. Mặc dù, có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của từng nền kinh tế, song các nền kinh tế đạt hiệu quả vượt trội hơn vẫn có sự tương đồng trong hai yếu tố cơ bản. Một là, có chính sách hỗ trợ tăng trưởng với mục tiêu hình thành một vòng tuần hoàn hiệu quả về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, đảm bảo sự ổn định, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo đổi mới. Hai là, vai trò trọng yếu của các DN lớn - nhưng bị đánh giá thấp – trong việc thúc đẩy năng suất và sự tăng trưởng.Theo đó, tổng cộng 18 nền kinh tế vượt trội này đã giúp khoảng 1 tỷ người thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực kể từ năm 1990, góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Từ đó, tạo ra một tầng lớp trung lưu và nhà giàu với đủ điều kiện tài chính để tiết kiệm và tiêu dùng.

Theo cách tính toán có sự điều chỉnh theo quy mô của nền kinh tế, 18 nền kinh tế được đánh giá là vượt trội hơn trong báo cáo này có số lượng DN quy mô lớn (doanh thu hàng năm trên 500 triệu USD) nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác. “Vai trò của các DN có năng lực cạnh tranh cao trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP thường xuyên bị bỏ quên”, ông Jonathan Woetzel - Giám đốc MGI nói.

Các DN lớn có quy mô để đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy mở rộng toàn cầu, đào tạo nhân viên và trả lương cao hơn. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt là đối với các DN nhỏ được kết nối vào hệ sinh thái của các DN lớn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: nhóm DN đứng đầu về lợi nhuận kinh tế thường dễ bị soán ngôi bởi các đối thủ khác và có nguy cơ tuột hạng cao hơn so với các DN tại nền kinh tế có thu nhập cao hơn.

Nhiều DN thuộc các nền kinh tế vượt trội hơn đang tăng trưởng nhanh hơn và mang lại lợi nhuận cổ đông cao hơn so với các DN tương tự tại các nền kinh tế đã phát triển. Các DN nằm trong nhóm 25% đứng đầu về tổng lợi nhuận cổ đông đạt lợi nhuận trung bình 23% trong giai đoạn 2014 - 2016. Tuy nhiên, con số đó tại các nền kinh tế đã phát triển chỉ là 15%. Các DN này có kết quả vượt trội hơn hẳn về nhiều mặt so với các DN tương tự tại các nền kinh tế có thu nhập cao. Điều này được minh chứng trong một khảo sát, các DN hàng đầu tại các nền kinh tế vượt trội rất chú trọng đổi mới và 56% doanh thu của họ đến từ các sản phẩm và dịch vụ mới, nhiều hơn 8% so với các DN tương đồng tại các nền kinh tế đã phát triển.

Một điểm đáng chú ý nữa cũng được báo cáo chỉ ra là việc Trung Quốc đang chuyển hướng từ sản xuất thâm dụng lao động sang sản xuất dựa trên nghiên cứu chuyên sâu đang tạo cơ hội cho Ấn Độ, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác. Đặc biệt cho hàng hóa sản xuất tại các nước có thu nhập thấp như Indonesia và Uzbekistan. Điều này sẽ làm cho tỷ trọng thương mại hàng hóa giữa các thị trường mới nổi với Trung Quốc tăng lên. Báo cáo này dự báo các nền kinh tế mới nổi sẽ chiếm xấp xỉ 50% tăng trưởng toàn cầu vào năm 2030 và con số này có thể tăng lên 72% nếu các nước này có thể nâng cao năng suất GDP toàn cầu đạt mức tăng thêm 11 nghìn tỷ USD.

 

Thời báo Ngân hàng

 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank