• English

Tin thị trường

Tỷ giá 2017: Có đủ dư địa chính sách để can thiệp

Với cơ chế điều hành qua tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày, cùng khả năng bám sát được thông tin thị trường, công cụ tiền tệ sử dụng chuyên nghiệp hơn, hiệu lực cao hơn.

Ngày 19/1, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.180 đồng/USD, tăng tới 16 đồng so với ngày 18/1. Nhìn lại giao dịch trong khoảng 10 ngày qua, tỷ giá trung tâm duy trì đà tăng. Trong khi đó, Sở Giao dịch NHNN vào hôm qua vẫn giữ giá mua vào USD tại 22.575 đồng/USD, giá bán ra ở mức 22.795 đồng/USD, tương tự như ít ngày gần đây. Tỷ giá niêm yết của nhiều NHTM cũng duy trì xu hướng ổn định.

Chặn đà rơi tỷ giá

Tỷ giá trung tâm tăng trong bối cảnh tỷ giá niêm yết của Sở Giao dịch NHNN và của NHTM ít biến động trong hơn 1 tuần qua, thực tế có sự can thiệp từ trước đó. Sau diễn biến tỷ giá “đô/đồng” giảm trên thị trường kể từ đầu năm 2017, hôm 9/1, Sở Giao dịch NHNN đột ngột nâng mạnh giá mua vào USD thêm 275 đồng/USD, đẩy từ 22.300 đồng lên 22.575 đồng để chặn đà rơi tỷ giá. Đây là lần thứ hai trong vòng một năm qua NHNN vào cuộc “can thiệp ngược”, chặn đà rơi của tỷ giá USD/VND. Lần gần nhất là mức chặn ở ngưỡng 22.300 đồng/USD vào đầu tháng 2/2016, trước diễn biến rơi nhanh tương tự.

Như vậy, có thể thấy kịch bản tỷ giá giảm đầu năm tuy không quá bất ngờ, bởi nó đã diễn ra 2 năm trước đó, nhưng diễn ra sớm hơn trong năm nay. Lý giải về hiện tượng giá USD thường rơi vào thời điểm đầu năm, một CEO NH cho biết, thông thường kỳ cao điểm thanh toán hàng hóa, chi trả các khoản nợ ngoại tệ… tập trung vào cuối năm, nên cầu ngoại tệ vì thế cũng dồn vào thời điểm này. Qua giai đoạn này, bước vào đầu năm mới cầu ngoại tệ lại bão hòa. Ở chiều ngược lại, cung ngoại tệ có vẻ dư dả khi nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND phục vụ hoạt động thanh toán, chi trả lương thưởng… thường tăng cao trong giai đoạn này. Cung lớn hơn cầu ắt tỷ giá giảm.

Đánh giá cao sự vào cuộc trên của cơ quan điều hành, một chuyên gia nhận định NHNN ngày càng chủ động, nhanh chóng, kịp thời ứng phó với diễn biến tỷ giá. Sự kịp thời thể hiện rõ nét ngay khi mức giảm của tỷ giá đã gần “san bằng” với mức tăng trong năm 2016, nên NHNN can thiệp ngay lập tức. Nếu để rơi thêm, theo vị trên có thể tác động không tốt đến thị trường, nhất là đến hoạt động xuất khẩu.

“Tỷ giá USD/VND tiếp tục rơi sâu, hay đồng tiền Việt Nam lên giá mạnh trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá lớn sẽ hạn chế năng lực cạnh tranh và khó khăn hơn cho xuất khẩu. Mà xuất khẩu Việt Nam được dự báo còn gặp khó khăn trong năm 2017… Cho nên, hành động của NHNN không cho tỷ giá rơi nhiều bằng cách đặt giá mua vào ở mức cao hơn là rất thích hợp”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

Không chỉ chặn đà rơi tỷ giá, theo nguồn tin của phóng viên, trong những ngày qua, NHNN đã mua ròng một lượng ngoại tệ từ nền kinh tế vừa bổ sung thêm nguồn dự trữ ngoại hối, vừa giảm lượng “dư cung” trên thị trường. Như vậy, sau khi thực hiện bán ra ngoại tệ bình ổn thị trường và tỷ giá vào cuối năm 2016, NHNN đã nhanh chóng mua ròng ngoại tệ trở lại.

“Căn chỉnh” phải phù hợp với nền kinh tế

Đánh giá can thiệp chính sách tỷ giá của NHNN trong những ngày qua rất hiệu quả, nhưng theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, trong năm 2017 diễn biến kinh tế thế giới đang ngày càng bất định, khó lường, càng đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt của NHNN.

Nếu như năm ngoái Trung Quốc liên tục phá giá CNY thì đến đầu năm nay, dường như NHTW Trung Quốc có vẻ không muốn sử dụng “quá liều” việc phá giá này vì lo ngại dòng vốn chảy vào Trung Quốc giảm mạnh. Trong khi đó ngay tại Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng đang lưỡng lự với chính sách đồng USD tăng giá. Ông Trump lo ngại nếu để đồng USD lên giá quá mạnh trong một thời gian dài làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ cũng sẽ làm giảm việc làm của người lao động.

Đấy là những giả thiết, kịch bản mà các nước có sức ảnh hưởng lớn đối với kinh tế Việt Nam đưa ra. Vậy, Việt Nam sẽ cần công cụ chính sách can thiệp ra sao để xoay chuyển các tình thế duy trì ổn định tỷ giá?

Với cơ chế điều hành qua tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày, cùng khả năng bám sát được thông tin thị trường, công cụ tiền tệ sử dụng chuyên nghiệp hơn, hiệu lực cao hơn, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, NHNN hoàn toàn chủ động can thiệp thị trường, có đủ dư địa cho những điều chỉnh chính sách. Vấn đề là chọn đúng thời điểm thích hợp cho những điều chỉnh. “Dù tỷ giá tăng, hay giảm đều phải linh hoạt can thiệp kịp thời để giữ được cân đối chung cho nền kinh tế. Nếu khéo sử dụng công cụ tiền tệ, NHNN còn tự tạo thêm những dư địa chính sách cho mình”, một chuyên gia gợi mở.

Lưu ý thêm đối với việc can thiệp tỷ giá, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những thay đổi, “căn chỉnh” phải phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia về NH, cho rằng xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Nhất là sắp tới chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ được thực thi có thể thị trường xuất khẩu Việt Nam bị thu hẹp tương đối. Như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá tăng trong năm 2017 để hỗ trợ xuất khẩu là cần thiết. “Vấn đề là nhà điều hành “khéo chọn” để có thể cân đối hài hòa lợi ích chung của tổng thể nền kinh tế”, TS. Hiếu kết lại.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank