Theo đó, việc vay TPCP được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và thông qua hệ thống giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội hoặc trên hệ thống vay, cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và phải đảm bảo những nguyên tắc sau: Chỉ thành viên giao dịch là thành viên đấu thầu TPCP được vay TPCP để bán theo quy chế của Sở; Thời hạn vay không vượt quá 180 ngày và không được vượt quá thời hạn còn lại tới khi đáo hạn của TPCP; Khoản vay phải được hoàn trả bằng TPCP đã vay, trong trường hợp không có đủ TPCP đã vay thì được trả bằng TPCP tương đương có thể chuyển giao; Các bên liên quan tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến khối lượng vay, tài sản vay và hoàn trả, tài sản đảm bảo, lãi suất vay và các điều khoản khác.
Các bên liên quan phải đảm bảo các thỏa thuận này tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật áp dụng cho các bên tham gia giao dịch.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể giao dịch vay TPCP để bán.
Điểm mới thứ hai là sẽ thực hiện phân loại thành viên. Theo đó, thị trường giao dịch TPCP tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có 2 loại thành viên là thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt.
Riêng với Kho bạc Nhà nước, tổ chức này được thực hiện giao dịch mua trong các giao dịch mua bán lại TPCP trên hệ thống giao dịch TPCP tại Sở với thời hạn giao dịch mua bán lại tối đa không quá 3 tháng và nộp giá dịch vụ giao dịch theo quy định pháp luật. Kho bạc Nhà nước không phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn làm thành viên, đăng ký làm thành viên, nghĩa vụ của thành viên, chế độ báo cáo của thành viên quy định tại văn bản mới này.
Thông tư số 10 của Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định: TPCP tương đương có thể chuyển giao là TPCP niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và được sử dụng để thanh toán thay cho TPCP gốc trong giao dịch TPCP trong trường hợp không có đủ TPCP gốc để thanh toán. TPCP tương đương có thể chuyển giao được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch.
Năm 2016, bên cạnh việc huy động được lượng vốn từ trái phiếu đạt kỷ lục, Kho bạc Nhà nước đã thành công trong việc phát hành các kỳ hạn dài 7, 10, 15, 20, 30 năm với mục tiêu là nhắm đến các quỹ bảo hiểm, hưu trí và các tổ chức khác ngoài ngân hàng nhằm đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, các tổ chức ngoài ngân hàng như quỹ bảo hiểm tham gia ngày càng tích cực hơn vào thị trường sơ cấp (tỷ lệ tham gia chiếm 40%).
Nếu trước đây, 80% nhà đầu tư trái phiếu là các ngân hàng, thì nay, con số này đã giảm xuống mức 60%. Lượng nhà đầu tư mới từ các doanh nghiệp bảo hiểm, các nhà đầu tư nước ngoài, một số quỹ đầu tư, tổ chức trong nước khác đã góp phần không nhỏ vào việc tăng khối lượng vốn huy động được trên thị trường. Đặc biệt, khối doanh nghiệp bảo hiểm đang ngày càng tham gia nhiều hơn, hiện họ đã nắm giữ đến 20% khối lượng trái phiếu lưu hành.
Tường Vi