Ảnh minh hoạ
Ứng dụng SmartAgri được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2015, cho phép nhà nông thông qua smartphone và máy tính bảng có thể ngồi nhà mà vẫn theo dõi, kiểm soát thời tiết, chất lượng rau quả để điều khiển quy trình sản xuất từ xuống giống, chăm sóc, tưới tiêu một cách tự động mà không cần ra đồng. Trên thế giới, việc nông dân khai thác cảm biến và các công nghệ Internet vạn vật (IoT) để tăng hiệu quả nông nghiệp, đặc biệt là cải thiện sản lượng, đang ngày càng phổ biến.
Tờ VnExpress viết: Giải pháp tất yếu cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam với 13,8 triệu hộ nông dân và 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ chính là ứng dụng công nghệ. Nông nghiệp ứng dụng IoT ở đây chính là việc số hóa các hoạt động sản xuất canh tác thông qua các thiết bị cảm biến, công nghệ điều hành và tự động hóa. IoT sẽ biến nông nghiệp từ một lĩnh vực sản xuất định tính thành một lĩnh vực sản xuất chính xác dựa vào những số liệu thu thập, tổng hợp và phân tích thống kê.
Giám sát chăn nuôi, nông nghiệp chính xác và tối ưu việc tự động hóa các loại máy móc là ba khía cạnh mà IoT tác động nhiều nhất đến nghề nông - tờ Khoa học và phát triển dẫn chứng.
Về giám sát chăn nuôi, người dùng được cảnh báo bằng điện thoại hoặc email nếu có bất kỳ tình trạng nào nằm ngoài tham số đã cài sẵn. Ví dụ, một hệ thống có tên Moocall giúp nông dân giám sát những con bò đang chuẩn bị sinh con. Một cảm biến chạy bằng pin phát hiện chuyển động của bò và gửi thông báo SMS khi bò sắp sinh.
Về nông nghiệp chính xác, với bộ cảm biến IoT, nông dân có thể thu thập dữ liệu về thời tiết, đất, chất lượng không khí và sự phát triển của cây trồng để đưa ra những quyết định thông minh hơn. Còn tự động hóa máy móc là các loại máy nông nghiệp tự điều khiển để giảm thao tác thừa.
Chi phí đầu tư cho hệ thống IoT trong nông nghiệp được cho là thách thức đối với các công ty công nghệ, các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ, dựa vào kinh tế hộ gia đình. Được biết, chi phí hệ thống IoT cho một ứng dụng quản lý nông trại dao động từ 2 - 20 triệu đồng/sào, thậm chí cả trăm triệu đồng, tùy theo yêu cầu về mức hiện đại và độ chính xác.
Thêm nữa, các nông hộ, hợp tác xã còn khá bỡ ngỡ với công nghệ cao, ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, vì vậy, cần phải có người đồng hành, hướng dẫn, áp dụng quy trình, công nghệ đơn giản, linh hoạt để giúp họ nhanh thích ứng. Thách thức lớn nhưng tiềm năng còn lớn hơn.
Thị trường nông nghiệp thông minh dự kiến sẽ tăng từ 5,18 tỷ USD trong năm 2016 lên 11,23 tỷ USD vào năm 2022 - theo hãng nghiên cứu thị trường Markets and Markets.
Nhận thấy tiềm năng và tính tất yếu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu, cũng như chuẩn bị gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng Internet vạn vật trong nông nghiệp sẽ tạo cơ hội lớn cho các hộ nông dân trở thành một doanh nghiệp có năng suất và giá trị vượt trội, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
VTV.vn