• English

Tin thị trường

Triển khai Nghị quyết 42: Ngân hàng 'mạnh dạn' xử lý nợ xấu

(TBTCVN) - Ngày 15/8 tới đây, Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42/2017/QH14) sẽ chính thức có hiệu lực. 
Nghị quyết khi triển khai được kỳ vọng sẽ khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý đã nảy sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, cũng như của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). 
Thị trường mua bán nợ sẽ sôi động hơn
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông, Nghị quyết 42 sẽ tháo gỡ về cơ bản những vướng mắc của VAMC trong khi thực hiện giải quyết nợ xấu. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là khẳng định quyền chủ nợ và tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho cả VAMC và các ngân hàng trong xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 còn có quy định rất quan trọng đó là cho phép VAMC, ngân hàng được mua bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách. Đây vốn là trở ngại rất lớn đối với VAMC cũng như ngân hàng trong thời gian qua do liên quan đến trách nhiệm của người cho vay.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa đánh giá, việc cho phép các ngân hàng thoái lãi dự thu đồng thời cho phép bán nợ xấu thấp hơn giá sổ sách là hai nội dung rất quan trọng được các ngân hàng kỳ vọng nhiều để xử lý nợ xấu. 
“Tài sản cho vay 100 tỷ đồng, nếu để trong bảng cân đối thì họ hạch toán lãi trong 100 tỷ đồng đó. Nhưng giờ nếu phát mại chỉ được 40 tỷ đồng thì ngay lập tức ngân hàng lỗ 60 tỷ đồng, do đó họ sợ không dám bán vì chuyển đang lãi thành lỗ, sợ phải chịu trách nhiệm. Nếu để nhiều món như vậy thì ngân hàng sẽ rất khó khăn. Nay Nghị quyết cho phép hạch toán lỗ dần trong nhiều năm là một hỗ trợ lớn cho các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ. Một mặt làm cho bảng cân đối tài sản tích cực hơn, quan trọng hơn nữa là họ có thể dám mạnh dạn bán tài sản xấu thay vì cứ để đó”, TS Lê Xuân Nghĩa lý giải. 
Về vấn đề này, Chủ tịch VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, thông thường một khoản nợ có giá trị 10 đồng, nếu bán đi thu về được 7 đến 8 đồng, còn 2 - 3 đồng hao hụt sẽ bị quy là làm thất thoát tài sản. Với quy định mới, VAMC, các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn hơn để xử lý khoản nợ xấu theo cơ chế thị trường và thu về số tiền bán được tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế. Dự kiến trong thời gian tới, thị trường này cũng sẽ sôi động hơn khi VAMC được bán các khoản nợ cho các đối tượng không phải là doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ mà chỉ cần có nhu cầu mua là VAMC được phép bán.  
Khó thu giữ bất động sản đối với hộ nghèo
Bên cạnh quy định về mua bán nợ xấu, một trong những quy định cũng được coi là ý nghĩa nhất đối với VAMC cũng như tổ chức tín dụng là khẳng định quyền của chủ nợ và xử lý tài sản đảm bảo. Theo ông Nguyễn Tiến Đông, nếu thực hiện theo quy định tại Bộ Luật Dân sự mới có hiệu lực từ 1/1/2017, thì muốn xử lý tài sản đảm bảo, VAMC, tổ chức tín dụng chỉ có một lựa chọn là phải ra tòa. Theo cách này, từ khi toà thụ lý hồ sơ cho đến khi ra bản án đối với khoản nợ sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm chuyển qua cơ quan thi hành án dân sự thì trung bình mất thời gian khoảng 3 năm.
Với quy định mới tại Nghị quyết 42, nếu khoản nợ có đầy đủ điều kiện pháp lý, trong hợp đồng có thoả thuận về tài sản đảm bảo, khách hàng không trả nợ thì sẽ buộc phải bàn giao cho chủ nợ mà không phải qua tòa án, trừ trường hợp hợp đồng thiếu cơ sở pháp lý. Nghị quyết 42 cũng cho phép tòa áp dụng thủ tục rút gọn trong xử lý tranh chấp đối với hợp đồng tín dụng cũng như hợp đồng về xử lý tài sản đảm bảo với khách hàng. 
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý đến một khía cạnh khác của quy định này. Đó là việc cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu có thể giải quyết được đối với những trường hợp là nợ của doanh nghiệp, của hộ gia đình, cá nhân có nhiều tài sản, ngoài bất động sản bị thế chấp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tài sản bị thế chấp là bất động sản duy nhất của hộ gia đình, của người nghèo… thì sẽ rất khó giải quyết. 
“Nghị quyết 42 ra đời trong bối cảnh chúng ta chưa có chính sách an sinh tương đồng nên khi xử lý nợ vẫn còn vướng mắc. Đó là với các hộ gia đình có duy nhất một tài sản, nhất là có trẻ con, người già… liệu có thể thu giữ chỗ ở duy nhất của họ, đuổi họ ra đường được không? Hiến pháp đã quy định về quyền có chỗ ở của công dân, cũng như Hiến chương Liên Hiệp quốc đã quy định về quyền có chỗ ở của trẻ em. Do đó, những trường hợp này dù ngân hàng có muốn thu hồi tài sản, đưa ra tòa án cũng rất khó xử lý, hầu như tắc nghẽn ở đây”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết. 
Tuy vẫn còn những nội dung cần được hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tính khả thi, nhưng các chuyên gia đều đồng tình bên cạnh ý nghĩa về pháp lý, Nghị quyết 42 còn có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao ý thức tuân thủ từ phía khách hàng vay vốn. Trước đây, do cách thức xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn, kéo dài nên khách hàng có tâm lý chây ì… Nay với quy cách xử lý rút gọn, dứt điểm  này, khách hàng vay vốn sẽ có ý thức hơn trong việc hợp tác xử lý nợ, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho cả hai bên cũng như cho cả hoạt động của cả nền kinh tế nói chung.
D.A/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank