(Chinhphu.vn) - Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, các doanh nghiệp (DN) đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi tham gia chương trình bình ổn thị trường; luôn chuẩn bị lượng hàng hóa tăng cao hơn kế hoạch thành phố giao, bảo đảm cung ứng cho thị trường. Các mặt hàng bình ổn luôn bảo đảm giá thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5-10%.
Đến nay, tổng số điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM là 10.602, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thành phố, nhất là công nhân, người lao động tại các KCX-KCN, mua được hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý.
Về chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, căn cứ vào sự thay đổi xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người dân và trên cơ sở đăng ký theo khả năng cung ứng của từng DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng bình ổn chiếm khoảng 25-40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 15-35% so với kết quả thực hiện năm 2017.
Cụ thể, chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực - thực phẩm sẽ được thực hiện đối với 10 nhóm mặt hàng gồm gạo các loại, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị. Các mặt hàng lương thực - thực phẩm chiếm 25-30% nhu cầu thị trường các tháng thường và 30-40% nhu cầu thị trường các tháng Tết. Trong chương trình mùa khai trường, có 103 loại sản phẩm, lượng hàng chiếm từ 35-50% nhu cầu tiêu dùng, tăng bình quân hơn 15% so kết quả thực hiện năm 2017.
Mặt hàng sữa tiếp tục bình ổn đối với 4 nhóm gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất. Tổng lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là hơn 1.940 tấn/năm, chiếm từ 30-35% mức tiêu dùng của thị trường Thành phố. Trong khi đó, các mặt hàng dược phẩm chiếm khoảng 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu với 21 nhóm thuốc, 176 hoạt chất và 383 mặt hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, năm 2018, có 12 tổ chức tín dụng tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 3 đơn vị so năm 2017. Tổng nguồn vốn đăng ký hỗ trợ DN vay thực hiện bình ổn thị trường là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng (8,14%) so năm 2017, lãi suất tương đương năm 2017 (ngắn hạn khoảng 5,5-7%/năm).
Trong định hướng phát triển chương trình bình ổn thị trường năm 2018, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, TPHCM sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cho các chương trình nói chung và DN, sản phẩm bình ổn thị trường nói riêng, thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông; hỗ trợ DN mở rộng thị trường trên cả nước. Dự kiến hằng tháng, Thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành hỗ trợ DN tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, theo đó, hàng hóa của các DN bình ổn có thể mở rộng tiêu thụ hơn tại các tỉnh, thành, đồng thời hàng hóa chất lượng từ các địa phương cũng được nhanh chóng đưa vào thành phố tiêu thụ thông qua các DN bình ổn thị trường.
Cũng theo bà Trang, năm 2018, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các DN bình ổn mở rộng mạng lưới bán hàng thông qua việc giới thiệu các mặt bằng bán hàng tại các quận, huyện.
Lê Anh
Báo Chính phủ