Dịch Covid-19 đang tái diễn khá phức tạp, dẫn đến nguy cơ có thể làm nhiều lao động tiếp tục mất việc làm. Trước thực tế này, PV Báo SGGP trao đổi với ông Lê Minh Tấn (ảnh), Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về việc hỗ trợ đối với những trường hợp bị ảnh hưởng dịch.
Đối thoại về chính sách hỗ trợ
Phóng viên: Thưa ông, số lượng hộ nghèo tại TPHCM có tăng lên sau dịch Covid-19 và liệu có sót hỗ trợ những trường hợp nghèo mới phát sinh khi tái phát dịch?
* Ông LÊ MINH TẤN: Số hộ nghèo ở TPHCM không tăng. Hiện, TPHCM có gần 9.670 hộ nghèo (chiếm 0,4% tổng hộ dân) và dự kiến đến cuối năm 2020 còn 0,3%. Danh sách các hộ nghèo, những trường hợp bị ảnh hưởng do Covid-19 được cập nhật liên tục.
TPHCM dự kiến dành 1.800 tỷ đồng hỗ trợ, thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Đến tháng 5-2020, TPHCM cơ bản đã kiểm soát được dịch và phục hồi sản xuất. Cao điểm phòng chống dịch là tháng 4 và TPHCM hỗ trợ người dân trong tháng đó, với tổng số tiền gần 593 tỷ đồng (gần bằng 1/3 dự kiến ban đầu là 1.800 tỷ đồng). Đến nay, việc hỗ trợ đã cơ bản hoàn thành. Dù vậy, để thực hiện chính sách một cách trọn vẹn và nhân văn nhất, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ tổ chức gặp gỡ trực tiếp, đối thoại với người dân tại một số quận, huyện về việc chi trả hỗ trợ, nhằm ghi nhận các ý kiến và giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có).
* Việc đề xuất hỗ trợ khoảng 89.300 người lao động tự do làm các việc quét dọn, giúp việc gia đình, lơ xe, giữ xe, bảo vệ, thợ hồ… đã được giải quyết ra sao?
* Qua ghi nhận tại TPHCM, nhiều người lao động tự do ngoài 6 ngành nghề, công việc được hỗ trợ (theo Quyết định 15/2020 của Thủ tướng) cũng bị ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, TPHCM có khoảng 89.300 lao động tự do thuộc các nhóm ngành nghề, với khoảng 280 tên gọi công việc khác nhau, bị mất việc do Covid-19. Do đó, sở đề xuất hỗ trợ những người này với mức 1 triệu đồng/người/tháng. UBND TP đang xem xét đề xuất này.
* Danh sách hỗ trợ người bán vé số thì gia tăng liên tục, nhưng vì sao nhóm giáo viên mầm non giảm từ 35.000 còn 12.800 người; lao động tự do từ 284.000 còn 183.500 người, thưa ông?
* Số lượng ban đầu là do người dân đăng ký và sở ghi nhận. Nhưng quá trình hỗ trợ, các quận, huyện cập nhật qua việc thẩm định từng trường hợp. Chuẩn cận nghèo ở TPHCM hiện nay là 36 triệu đồng/người/năm, tức 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu người lao động nào không có thu nhập, bị giảm sâu thu nhập, rơi xuống dưới mức cận nghèo thì được thành phố hỗ trợ. Danh sách ban đầu ghi nhận nhiều người dân bị giảm thu nhập, song thu nhập vẫn trên 3 triệu đồng/người/tháng, nên không thuộc diện hỗ trợ.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tặng quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ở quận Phú Nhuận. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cải tiến để dễ tiếp cận nguồn hỗ trợ
* Nhiều người lao động tạm trú tại TPHCM phản ánh, để nhận được hỗ trợ, họ phải về quê làm giấy xác nhận, đi lại tốn kém, thậm chí một số trường hợp không được hỗ trợ?
* Một số người hiểu nhầm, tưởng phải đích thân về quê, nhưng người lao động không nhất thiết phải về quê xác nhận. Họ có thể gửi xác nhận bằng đường bưu điện, nhờ người thân ở quê lấy dấu xác nhận ở quê rồi gửi đến TPHCM là được. Đây cũng là bài học cho ngành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn chính sách sao cho đầy đủ, chi tiết và dễ thực hiện nhất tới người dân. Ngoài ra, một số người dù ở TPHCM nhiều năm, nhưng không nhận được hỗ trợ, vì họ ở mà không đăng ký tạm trú theo quy định.
* Dịch Covid-19 đang tái diễn khá phức tạp, sở có giải pháp căn cơ, nhất là hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người lao động ra sao, thưa ông?
* Sở đã xác định 2 phương án. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, dự kiến có khoảng 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và có khoảng 100.000 - 120.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc. Nếu dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến có khoảng 4.800 - 5.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 160.000 - 180.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.
Sở đang phối hợp với các sở, ngành chủ động có phương án hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cho nhiều người lao động thôi việc. Đồng thời, tổ chức sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm. Chúng tôi vận động doanh nghiệp giãn ngày làm việc, luân phiên để nhiều người lao động cùng có việc làm, thay vì cắt giảm công nhân.
Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thì có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội, với lãi suất 0% để trả lương cho công nhân. Khi vay ở ngân hàng chính sách xã hội, với mỗi công nhân, doanh nghiệp sẽ được vay 50% mức lương tối thiểu vùng (ở TPHCM là 4,42 triệu đồng/tháng) và không hạn chế số lượng công nhân. Sở cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị bộ, ngành trung ương không yêu cầu doanh nghiệp vay vốn ở ngân hàng chính sách xã hội phải chứng minh tài chính. Thay vào đó là tính mức sụt giảm: nếu sụt giảm khoảng 20%-30% doanh thu của quý đó so với quý 4-2019, thì có thể được hỗ trợ.
TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 541.100 người (đạt 99,99%), với tổng số tiền gần 593 tỷ đồng, nhưng vẫn có 15.800 giáo viên mầm non, bảo mẫu không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Tôi rất chia sẻ với những trường hợp này, nhưng vì họ không đóng BHXH nên không được hỗ trợ.
Theo quy định, giáo viên mầm non, bảo mẫu có giao kết hợp đồng lao động thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Từ thực tế này cũng cho thấy còn nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa làm tròn trách nhiệm với người lao động. Do đó, sở phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động các cơ sở giáo dục mầm non tuân thủ pháp luật, tham gia BHXH đầy đủ cho các giáo viên, bảo mẫu. Việc này còn nhằm bảo đảm quyền lợi cho giáo viên mầm non, bảo mẫu.
Theo sggp.org.vn