Tuy nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc từ quý II/2017 và sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, nhưng những diễn biến này cũng không nằm ngoài những dự báo được đưa ra đầu năm. Thậm chí tại phiên họp thường kỳ tháng 8 các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội có được kết quả tốt hơn dự báo.
Báo cáo vĩ mô của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và Aus4Reform cũng ghi nhận, đà tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, gắn với chuyển biến về môi trường kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp được củng cố. Theo đó, một số phân ngành duy trì đà tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung như công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, bán buôn và bán lẻ hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm…
Đặc biệt, việc đầu tư gia tăng nhanh ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước được CIEM nhìn nhận là có sự đóng góp tích cực từ nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. “Dù tốc độ có giảm nhưng tăng trưởng đang có đà và lực”, ông Nguyễn Anh Dương (Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM) phát biểu.
“Có thể lạc quan nói rằng 6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn chứng kiến những bước đầu tiên hiện thực hóa quyết tâm cải cách. Một loạt những quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trước đây làm khó làm khổ thậm chí làm hàng loạt DN phá sản nay đã được sửa đổi”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá.
Tuy nhiên, ngay trong những bình luận lạc quan nhất vẫn thấy rõ không ít băn khoăn hiện hữu. Đó là bởi mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét. Khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn. Truyền tải quyết tâm cải cách từ lãnh đạo không ít bộ, ngành đến đội ngũ cán bộ thừa hành còn khá chậm.
Ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng cho biết: Dù các bộ đã có nhiều cố gắng rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm ĐKKD, tuy nhiên tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành, ĐKKD chưa cao. Đến nay mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 ĐKKD (tương ứng 15,2%).
Không tạo thuận lợi cho DN, đất nước sẽ khó khăn
Vị Chủ tịch VCCI thì dẫn ra số liệu: Trung bình, mỗi năm các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN.
Trong đó, có từ 10-20 luật, khoảng 200 nghị định và quyết định của Thủ tướng, còn lại là thông tư của các bộ và cơ quan ngang bộ. Mỗi văn bản đó lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, chính quyền trung ương có thể đưa ra hàng chục ngàn quy định có tác động đến các DN. Tác động thuận cũng có và tác động “nghịch” tới DN cũng có.
Dẫn ra con số DN thành lập mới và con số DN đã ngừng hoạt động, phá sản trong 7 tháng đầu năm, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, môi trường kinh doanh đóng góp tới 50% sự sống còn của DN. Chưa kể đến những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... các vấn đề trong nước đã đủ khiến hàng loạt DN chết rồi. Nếu không tạo thuận lợi cho DN sẽ đẩy đất nước vào tình trạng hết sức khó khăn.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018. Cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019 và năm 2020.
Ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng là kiên định với các mục tiêu đặt ra, không để mất đà tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh “tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào độ mạnh của cải cách, tăng trưởng cao hay thấp phụ thuộc vào tăng trưởng mạnh hay yếu. Không thể để nền kinh tế mất đà, phải giữ đà tăng trưởng”.
Như vậy, để giữ đà cho tăng trưởng, không chỉ năm nay mà cả các năm 2019 và năm 2020, song song với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô thì ưu tiên chính sách vẫn là thúc đẩy mạnh hơn cải cách môi trường kinh doanh.
Và thông điệp là ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.