Nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Việt Nam - Ảnh: TL
Trong tờ trình gửi đến Thủ tướng, Tổ tư vấn khẳng định 37 khó khăn, vướng mắc trên đang gây nhiều phiền hà, tốn kém về thời gian và tiền bạc, làm mất cơ hội kinh doanh và có thể giảm tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Cải cách làm một số bộ, ngành mất quyền lực
Thực hiện chương trình công tác năm 2018, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 16 thành viên, đã tiến hành rà soát 9 luật.
Kết quả cho thấy các quy định hiện hành trong 9 luật và các văn bản dưới luật đang gây ra 37 vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư.
Cụ thể có 6 vướng mắc do chồng chéo giữa các quy định, 16 vướng mắc do những mâu thuẫn hoặc không tương thích giữa các quy định, 8 vướng mắc do quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, và 7 vướng mắc do quy định bất hợp lý.
Theo tổ tư vấn kinh tế, có 3 nguyên nhân cơ bản gây ra 37 rào cản trên.
Thứ nhất là thủ tục đầu tư, xây dựng đối với một dự án đầu tư được quy định phân tán tại nhiều văn bản luật, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ trung ương đến địa phương.
Thứ hai, không có sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư.
Do đó không thể có sự phối hợp hay nỗ lực chung của các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, nhà ở, trong nhiều năm qua.
Thứ ba, những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan liên quan và các thủ tục hành chính do chính họ thực hiện.
Chính vì thế, mỗi cải cách, thay đổi đều làm cho một hay một số cơ quan có liên quan mất, hoặc giảm dần quyền lực, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó.
Thậm chí những cơ quan, tổ chức bị mất quyền, mất lợi luôn chống lại những cải cách cần thiết. Ngay cả những cơ quan không bị mất quyền lợi cũng không muốn cải cách, thay đổi.
Đề nghị sửa đổi 9 luật liên quan
Hàng loạt các vướng mắc trong 9 luật đã được Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng liệt kê trong tờ trình gửi đến Thủ tướng.
Chẳng hạn đó là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư, Luật Nhà ở chồng chéo.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật kinh doanh bất động sản và Luật đất đai.
Thêm nữa, xung đột về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai.
Một điều nữa là sự không rõ ràng và có sự khác biệt lớn về trình tự thủ tục đầu tư dự án quy mô trên 5.000 tỉ đồng giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về quản lý vốn nhà nước…
Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định nói trên và xem xét đề xuất chỉnh sửa trong tháng 6-2018.
Bình luận về vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đánh giá rằng việc rà soát, phát hiện 37 rào cản, vướng mắc, thuộc 9 luật là bước khởi đầu quan trọng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo ông Doanh, khi đã xác định rõ các rào cản thì không nên câu nệ, ngại ngần, phải kiên trì, cầu thị để sửa đổi.
Hơn nữa, theo ông Doanh, Việt Nam đã tham Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có rất nhiều cam kết trong CPTPP không phù hợp với luật hiện hành, trước sau Việt Nam cũng phải sửa.
Vị cựu Viện trưởng Viện CIEM cho rằng để bãi bỏ tất cả 37 rào cản này cần phải làm rõ, chứng minh, và đưa ra nghị quyết của Chính phủ, hoặc kiến nghị Quốc hội ra một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bãi bỏ những điều này, sửa đổi điều kia.
Theo ông Doanh, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cần tổ chức đối thoại với các bộ đã dự thảo ra các luật đó.
Sau khi đối thoại, các bộ có thể đồng ý sửa đổi luật; còn trong trường hợp không đồng ý, cần báo cáo trực tiếp Thủ tướng xem xét, giải quyết.
"Tôi thấy rằng, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hiện nay cũng có vai trò tương tự như Tổ công tác của Thủ tướng về thực hiện Luật Doanh nghiệp trước đây. Đó là điều thuận lợi để có thể hoạt động độc lập, hiệu quả được. Mặt khác, tổ tư vấn nghiên cứu của Thủ tướng hiện nay hoạt động hiệu quả hơn vì có một bộ máy nghiên cứu đứng sau. Nếu tổ tư vấn chỉ đi công tác, nghe chỗ này, chỗ kia biết thế thôi, khó mà phát hiện, quy trách nhiệm", ông Doanh nói.
9 luật được đề nghị chỉnh sửa bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng đề nghị sửa đổi một số văn bản dưới luật điều chỉnh công tác chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư.
Để phát hiện ra 37 vướng mắc, khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) mất nhiều tháng rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan, khảo sát thực tiễn ở địa phương, khảo sát và tham vấn hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia.
Bảo Ngọc
Báo Tuổi trẻ