• English

Tin thị trường

Tín dụng tăng trưởng tốt, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được hạn chế

(Chinhphu.vn) - Các chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn khi các lĩnh vực tín dụng bất động sản thông thường và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được hạn chế.

Đây là ý kiến của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua.

Theo lãnh đạo NHNN, lạm phát được đánh giá chậm lại nhưng mức lạm phát bình quân vẫn cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội. Việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất khiến rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu.

Các định chế tài chính tiền tệ đánh giá, việc điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ là phù hợp, với chính sách tài khóa và tiền tệ đúng hướng.

Các chi tiêu huy động vốn và tín dụng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng kiểm soát chặt chẽ hơn, ngoài lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, các lĩnh vực tín dụng bất động sản thông thường và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro khác được hạn chế.

Về biến động lãi suất, NHNN cho biết, lãi suất huy động hiện nay khá ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Ông Lê Minh Hưng phân tích, việc Fed tăng lãi suất tạo áp lực tâm lý nhất định, nhu cầu vốn cho đầu tư lớn, có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng đa số là kỳ hạn dài 3-5 năm. NHNN cũng đã có những giải pháp phù hợp, đến nay cơ bản diễn biến lãi suất là ổn định. Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, tính đến thời điểm 20/3/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,88% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 3,08%). Huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,43% (cùng kỳ năm 2016 tăng 2,26%).

Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đã tăng mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây đạt 2,81%, cao nhất trong 5 năm gần đây, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt và thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện tích cực.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 18%, thấp hơn so với mục tiêu đã đặt ra hồi cuối năm ngoái là 18-20%. Lý do là trong bối cảnh sức ép một số diễn biến kinh tế quốc tế, NHNN đã đặt ra mục tiêu thận trọng hơn. Đại diện NHNN nhấn mạnh sẽ điều hành đưa tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt lạm phát…

Theo các chuyên gia, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất định hướng từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục tăng, có thể tăng khoảng 2 lần, mỗi lần 0,25%, có thể đạt 1,5%/năm vào cuối năm 2017 và 2,25%/năm vào cuối năm 2018.

Về điều chỉnh tỉ giá, NHNN đã điều hành đồng bộ chính sách tỉ giá, trong đó áp dụng linh hoạt tỉ giá trung tâm. Do đó, cung cầu ngoại tệ, thanh khoản VND được cân bằng, giảm áp lực tỉ giá và lãi suất. Sau thời gian cung cầu ngoại tệ không thuận lợi, đến nay, tỉ giá cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn cần hết sức lưu ý biến động tỉ giá đến cuối năm.

Quan điểm của NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất, tỉ giá, thanh khoản nền kinh tế. Điều này đòi hỏi NHNN từ nay đến cuối năm phải phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khoá. NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát diễn biến thị trường quốc tế. Sẽ có kịch bản trong trường hợp Fed tăng lãi suất, có phương án điều hành tỉ giá và lãi suất VNĐ bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Huy Thắng

Đăng ký nhận tin
KienlongBank