• English

Tin thị trường

Tín dụng tăng trưởng tích cực bất chấp dịch COVID-19

Trong quý I/2020, tín dụng toàn ngành tăng trưởng tới 1,1%, nhờ các gói hỗ trợ tín dụng của các ngân hàng được triển khai trong thời gian qua.

Tín dụng toàn ngành tăng 1,1%

Tính đến hết 31/3, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 1,1% so với cùng kỳ. Trước đó, 2 tháng đầu năm, mức chỉ tăng 0,06%, thấp kỷ lục trong 6 năm qua do dịch COVID-19 hoành hành. Tín dụng toàn ngành bắt đầu hồi phục, cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn so với 2 tháng đầu năm nay.

Có thể nói sự tăng trưởng tích cực này cho thấy các chính sách của NHNN và các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại đã phát huy hiệu quả đối với các doanh nghiệp. "Khi bơm ra thị trường các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhiều đối tượng doanh nghiệp được tiếp nhận", ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế-NHNN nhận định và khẳng định, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, giúp các ngân hàng thương mại đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp, nền kinh tế và các chương trình cho vay vẫn kéo dài khi hết dịch COVID-19.

Các chuyên gia cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng, ngoài các gói hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng cũng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Hỗ trợ vốn nhưng kiểm soát được rủi ro

Có thể nói các ngân hàng nhóm Big 4 tham gia tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch. Trước hết là BIDV, ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp. Đối với dư nợ hiện hữu, BIDV cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi, và giảm lãi vay đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, BIDV cũng giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất cho vay, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch. Ngoài ra, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.

Vietcombank giảm lãi suất cho vay 2 - 2,5%/năm với quy mô tín dụng 30.000 tỉ đồng. Đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5% so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Lãi suất cho vay sau giảm sẽ chỉ từ 4,5 - 5%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động. Trong khi VietinBank cũng giảm lãi suất cho vay từ 2 - 2,5%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Từ ngày 1/4, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu ở tất cả các lĩnh vực. Theo ước tính, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỉ đồng dư nợ được hưởng hỗ trợ.

Sau gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn được triển khai ngay từ đầu mùa dịch COVID-19, VPBank vừa công bố chương trình đồng hành thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2% cho các khách hàng SME. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tại VPBank. Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.

Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, việc giải ngân phải hiệu quả để doanh nghiệp có thể trả được cả gốc và lãi, không để trường hợp tăng rủi ro cho khoản vay. Với khoản vay cũ, ngân hàng sẽ cân nhắc để giãn thời gian trả nợ, cơ cấu nợ, hoặc miễn giảm lãi...

Theo tapchitaichinh.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank