• English

Tin thị trường

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi

Theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), trong tháng 5/2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 4,2% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, WB đánh giá tích cực việc tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.    

tin-dung-tang-truong-manh-me-ho-tro-nen-kinh-te

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

WB cho rằng, một trong những lý do chính khiến doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng mạnh là nhờ vào chính sách mở cửa biên giới vào tháng 3, kèm theo đó là nới lỏng hoạt động du lịch quốc tế. Khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng trước đại dịch.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng - lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 2021 - bật tăng mạnh mẽ hơn trong tháng 5 nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng đến gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với mức trước đại dịch cách đây 3 năm. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn 60% so với mức trước đại dịch

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi

WB đánh giá, việc tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Cụ thể, tín dụng đối với nền kinh tế trong tháng 5 tăng 16,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương với tốc độ tăng trong vài tháng qua và cao hơn cùng kỳ năm trước 1,5 điểm phần trăm.

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế làm tăng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của hộ gia đình. Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng qua đêm (cuồi kỳ) giảm mạnh từ 2,56% trong tháng 2 xuống 1,37% trong tháng 4 và 0,33% trong tháng 5, gần bằng mức lãi suất trong tháng 5/2021, là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang dồi dào.

Các cấp có thẩm quyền đã chính thức ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có thời hạn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 được công bố hồi tháng1/2022. Hỗ trợ lãi suất nhắm đến một số ngành cụ thể, trong đó bao gồm những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch như vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, và du lịch. Biện pháp hỗ trợ này có tổng quy mô giới hạn ở mức 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD (hay 0,5% GDP) và có hiệu lực đến cuối năm 2023.

tin-dung-tang-truong-manh-me-ho-tro-nen-kinh-te

Điểm sáng tiếp theo trong Báo cáo là tổng thu ngân sách nhà nước tăng 29,4% (so cùng kỳ năm trước), tháng tăng thứ 5 liên tiếp nhờ tổng cầu trong nước được củng cố, trong khi tổng chi ngân sách Nhà nước đi ngang so với tháng 5/2021. Vì vậy, cân đối ngân sách Nhà nước tháng 5/2022 đạt bội thu 1,8 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Chính phủ thu được 57,1% tổng dự toán thu nhưng chỉ chi một phần ba tổng dự toán chi, dẫn đến cân đối ngân sách bội thu 9,5 tỷ USD.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,0% kế hoạch Quốc hội giao, tăng nhẹ so với tỷ lệ 21,4% ghi nhận cùng kỳ năm trước. Chi thường xuyên chỉ đạt 38,6% dự đoán, thấp hơn so với tỷ lệ 41,6% cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hoá thâm hụt 1,7 tỷ USD trong tháng 5. Vốn FDI đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp, phản ánh bất định gia tăng do chiến sự kéo dài tại Ukraine và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Sau một thời gian tương đối sôi động, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp với giá trị góp vốn và mua cổ phần trong tháng 5 giảm 40% so cùng kỳ năm trước. Dù vậy, vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, đánh dấu chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp.

Cần thận trọng với rủi ro lạm phát

Theo đánh giá của WB, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến chiến sự kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt. Mặc dù vậy, các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.

Nhìn lại 5 tháng vừa qua, WB cho rằng các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng. Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải, nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát.

“Bên cạnh đó, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung. Khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn”, WB khuyến nghị.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank