• English

Tin thị trường

Tín dụng tăng trưởng chỉ 14%: Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130/GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo. Riêng về lãi suất, xét chung cả năm thì lãi suất chỉ tăng một chút. Đó là khẳng định của phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay.

Sáng nay (7.1.2019), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo về kết quả hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019.

Tín dụng chỉ tăng trưởng 14%

Theo số liệu NHNN công bố tại buổi họp báo, tính đến hết năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 14% so với cuối 2017. Trong đó, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy hải sản tăng 8,88%, tỷ trọng 9,56%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%, tỷ trọng 31%.

Riêng ngành thương mại và dịch vụ: tăng 15,9%, tỷ trọng 59,4%; tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá: “tam nông” tăng 15,5%, chiếm tỷ trọng 24%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,5%, tỷ trọng 18%; xuất khẩu tăng 3,5%; công nghiệp hỗ trợ tăng 17%; ứng dụng công nghệ cao tăng 0,3%.

Một vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại buổi họp báo là tại sao mục tiêu từ đầu năm là tín dụng tăng 17 – 18% nhưng cuối năm chỉ đạt 14%. Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết để hỗ trợ cho tăng trưởng thì nguồn vốn cho nền kinh tế có nhiều nguồn như ngân sách, vốn nước ngoài nhưng kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ đạo.

Năm 2018, NHNN xác định tín dụng chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt mức tăng chung, trong đó có tín dụng bất động sản, tín dụng tiêu dùng.

“Mức tăng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130/GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo”.

Vị lãnh đạo NHNN cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng năm 2019 dự kiến tương đương với năm 2018, tức khoảng 14%. Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo tập trung dòng vốn hướng vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng chảy của tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Lãi suất ổn định, thực tế không tăng mạnh

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mặt bằng lãi suất tăng trong thời gian vừa qua, phó Thống đốc thưa nhận, thời gian gần đây lãi suất có diễn biến tăng ở một số ngân hàng do nhu cầu vốn của tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế tăng cao.

Phó Thống đốc cho rằng bản thân các TCTD có thể tự cân đối để đáp ứng được nhu cầu vốn nền kinh tế và trên thực tế, lãi suất ổn định chứ không tăng mạnh. "Nếu quan sát kỹ thì lãi suất của nhiều TCTD đã giảm giai đoạn đầu năm và đến cuối năm có tăng lên để đảm bảo thanh khoản. Xét chung cả năm thì lãi suất chỉ tăng một chút”

“NHNN sẽ theo dõi sát sao các biến động trên thị trường và các tác động từ bên ngoài, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED để có chính sách điều hành thích hợp cho tỷ giá và lãi suất”, bà Hồng khẳng định.

Trong năm 2018, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,6% trong khi tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,5%. Phó Thống đốc cho rằng điều hành tỷ giá của NHNN trong năm là khá phù hợp vì nhiều đồng tiền trên thế giới bị mất giá mạnh.

Nợ xấu đã được xử lý được một bước quan trọng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống đã giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 12.2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

1,89% cũng là mức thấp nhất ghi nhận kể từ năm 2012 đến nay, thời điểm nợ xấu ngân hàng bắt đầu được nhận diện một cách đầy đủ và sát thực hơn, với các bước nâng cao tiêu chuẩn phân loại nợ. Đây cũng là 1 trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2018 của NHNN.

Huyền Anh


Đăng ký nhận tin
KienlongBank