• English

Tin thị trường

Tín dụng hướng theo cách mạng công nghiệp 4.0

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, đến thời điểm này hàng loạt các NHTM lớn đã hưởng ứng việc chuyển dịch cơ cấu nguồn tín dụng dành cho các DN công nghiệp hỗ trợ. 

Hiện nay, việc áp dụng các dây chuyền công nghệ sản xuất lớn theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) ngày càng trở nên phổ biến, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Vì vậy, việc tăng hạn mức cung ứng tín dụng trung - dài hạn cho các DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là cần thiết và cũng để tạo điều kiện cho các DN này có nguồn vốn đổi mới công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu cùng các tập đoàn kinh tế.

DN đã chủ động kết nối

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 7/2017 Chương trình Kich off - tư vấn cải tiến chất lượng và năng suất cho DN do Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Samsung phối hợp tổ chức - đã tư vấn được cho 22 DN. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 29 DN vào cuối năm nay. Như vậy, sau 2 năm thực hiện chương trình Kich off, từ chỉ 4 DN đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện cho Tập đoàn Samsung thì hiện đã lên tới gần 30 DN.

Thông tin thêm, bà Đỗ Thị Thúy Hương (Hiệp hội Điện tử Việt Nam) cho biết, hiện nay ở ngành điện tử đã có vài chục DN nội địa bắt đầu tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm linh kiện cho các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, LG, Panasonic… Chỉ tính riêng Samsung hiện đã có 25 DN cung ứng cấp 1 và 190 DN cung ứng cấp 2. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Samsung năm 2014 chỉ đạt khoảng 35% thì hiện nay đã đạt 57%.

Điều này cho thấy tỷ lệ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc bắt tay với các tập đoàn công nghiệp lớn đã có sự khởi sắc đáng kể trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều DN, khi tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DN CNHT trong nước là vấn đề nguồn vốn đầu tư trung dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam cho biết, mặc dù nhiều năm nay HTMP là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn như Samsung, Canon, Panasonic, nhưng hàng năm vẫn phải cạnh tranh để có được hợp đồng với đối tác nước ngoài vì trên thị trường ngày càng nhiều các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực CNHT tham gia cung ứng sản phẩm.

Theo phân tích của ông Hào, so với DN trong nước, các DN CNHT nước ngoài họ có lợi thế là dễ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng quốc tế, đồng thời cũng được hưởng nhiều ưu đãi hơn về thuế thu nhập DN khi đầu tư ở các khu công nghiệp. Trong khi đó, các DN trong nước đa số phải vay vốn NHTM với mức lãi suất cao hơn. Hạn mức vay trung - dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị cũng khá hạn chế vì tài sản thế chấp của DN nội địa thường chỉ đủ để đảm bảo vay lưu động và tái đầu tư cho các đơn hàng, rất thiếu vốn để đầu tư các dây chuyền công nghệ mới.

Nhiều tín hiệu chuyển dịch

Trong một hội nghị nhằm kết nối giữa ngành Ngân hàng và cộng đồng DN khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua tại Cần Thơ, sau khi lắng nghe nhiều kiến nghị của DN về việc phải tăng hạn mức tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tái cấu trúc và tổ chức các liên kết chuỗi giá trị sản xuất khép kín, lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu sâu chất lượng chương trình kết nối ngân hàng - DN. Theo đó, các TCTD được chủ động rà soát toàn bộ DN khách hàng để phân loại có trọng tâm, trọng điểm và đưa ra những hạn mức tín dụng hợp lý, sát với nhu cầu và sự chuyển biến trong nội tại các DN.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, đến thời điểm này hàng loạt các NHTM lớn đã hưởng ứng việc chuyển dịch cơ cấu nguồn tín dụng dành cho các DN CNHT. Chẳng hạn, giữa tháng 6 vừa qua, các chi nhánh VietinBank tại khu vực TP. Hồ Chí Minh đã ký kết các hợp đồng tín dụng với tổng trị giá hơn 8.000 tỷ đồng. Số tiền này chia đều cho khoảng 100 DNNVV thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên. Điều này cho thấy các DN có thể tiếp cận nguồn vốn không nhỏ để phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ.

Các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV mới đây cũng đã hưởng ứng. Riêng Vietcombank đã có cam kết dành khoảng 10.000 tỷ đồng cho vay CNHT. Trong khi đó BIDV cũng sẽ dành 10.000 tỷ đồng cho vay DNNVV với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm, hạn mức cho vay được linh hoạt tính theo dòng tiền của khách hàng, đồng thời gia tăng thế chấp bằng các tài sản là động sản, hàng tồn kho, các khoản thu... để tăng hạn mức cho DN.

Ở góc độ địa phương, các tháng vừa qua, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 15/2017 về hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất CNHT. Theo đó, các DN sẽ được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất  cho khoản vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án với thời hạn hỗ trợ kéo dài 7 năm. Điều này cho thấy rằng, việc kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT đang được TP. Hồ Chí Minh rất quan tâm và ưu đãi khá lớn về tài chính.

Với mức hỗ trợ lãi suất như vậy, rõ ràng là tạo điều kiện rất lớn để các NHTM gia tăng hạn mức cho vay đối với các DN CNHT. Bởi hiện nay chương trình kết nối ngân hàng - DN tại TP. Hồ Chí Minh đã đi qua giai đoạn “tháo gỡ khó khăn”, trở thành một chương trình có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách ưu đãi vốn khác của địa phương, trong đó có chương trình kích cầu đầu tư. Khi có sự đảm bảo của chính quyền địa phương, các NHTM sẽ mạnh dạn hơn trong việc cung ứng vốn dài hạn cho các DN CNHT nhằm đổi mới công nghệ, tái cấu trúc sản phẩm.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank