• English

Tin thị trường

Tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công

(TBTCVN) - Năm 2018, ngoài các chỉ tiêu chung, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể liên quan đến việc sử dụng tài sản công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Sử dụng tài sản công tiết kiệm, đầu tư công hiệu quả

Hàng năm Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP. Chương trình THTK, CLP năm 2018 có vai trò quan trọng cụ thể hóa nội dung của Chương trình tổng thể giai đoạn 2016 - 2020, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018, ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí.

Theo ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), về cơ bản Chương trình THTK, CLP năm 2018 tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như giải pháp đã được nêu ra tại Chương trình tổng thể giai đoạn 2016 - 2020 và gắn với bối cảnh, điều kiện thực tiễn của năm 2018, trong đó tiếp tục đẩy mạnh THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ rệt với những kết quả cụ thể.

Đối với các chỉ tiêu tiết kiệm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công,  Chương trình THTK, CLP năm 2018 bổ sung một số chỉ tiêu tiết kiệm mang tính cụ thể hơn, như: Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tăng cường công tác rà soát, bảo đảm 100% các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; phấn đấu thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo nghị quyết của Chính phủ…

Trong quản lý trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công, Chương trình THTK, CLP năm 2018 tiếp tục THTK trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ giao cho các cơ quan, đơn vị phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm tiết kiệm; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng; mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ...

Ông Ngô Hữu Lợi cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nên Chương trình THTK, CLP  đã bổ sung một số nội dung liên quan đến việc đầu tư nguồn vốn từ ngân sách trong xây dựng các khu hành chính tập trung và mua sắm tài sản công. Chương trình THTK, CLP năm 2018 đã tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các địa phương; khuyến khích đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để thay thế cho đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN); thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, năm 2018 cũng THTK triệt để khi hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền. Việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của các cơ quan, đơn vị, chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy trình dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vay thương mại để mua xe ô tô công; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán xe công, đảm bảo mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương.

Lần đầu tiên có chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên

Một trong những chỉ tiêu tiết kiệm quan trọng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, đó là tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN. Trong năm 2018, tiếp tục thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - NSNN; bảo đảm chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua. Trong đó, chương trình xác định triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính; giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành...

Năm 2018 cũng có quy định rõ các chỉ tiêu tiết kiệm trong một số lĩnh vực sử dụng ngân sách lớn và cũng là những lĩnh vực cần thiết phải tăng cường THTK, CLP như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế…

Để mục tiêu THTK, CLP được “đong đếm” cụ thể, lần đầu tiên Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định tiêu chí đánh giá kết quả THTK, CLP trong chi thường xuyên. Số kinh phí tiết kiệm được xác định trên cơ sở so sánh số chi thực tế với dự toán chi thường xuyên đã được duyệt của các nhiệm vụ đã hoàn thành trong năm ngân sách và đảm bảo chất lượng. Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra phương thức chấm điểm các tiêu chí thành phần để đánh giá kết quả THTK, CLP trong chi thường xuyên và chấm điểm các đơn vị sử dụng ngân sách là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Minh Anh

Thời báo Tài chính Việt Nam


Đăng ký nhận tin
KienlongBank