Với lượng ngoại tệ mua vào lớn, dự trữ ngoại hối tăng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách siết dần tín dụng bằng ngoại tệ trong năm nay.
Chuyển dần quan hệ vay - gửi sang mua - bán USD
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang mua vào một lượng khá lớn ngoại tệ, dù mức mua không dồn dập như năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 sẽ tương tự năm 2018 (14%). Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong năm 2019, lãi suất tiền gửi USD vẫn là 0%.
Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Thông tư trên quy định, các tổ chức tín dụng được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước, khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Cũng theo Thông tư 42, các tổ chức tín dụng được cho vay trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Đi kèm quy định trên, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.
Theo tapchitaichinh.vn