• English

Tin thị trường

Tiếp tục hỗ trợ khách hàng trong dịch bệnh

NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu các TCTD tiếp tục các giải pháp chống dịch và có biện pháp hỗ trợ DN cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng sử dụng vay vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng bị ảnh hưởng Covid-19...

Ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM vừa ký văn bản 2132 về việc thực hiện công văn của UBND thành phố chỉ đạo các NHTM và các TCTD trên địa bàn về việc phòng chống dịch Covid-19 trở lại.

Theo đó, NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu các TCTD tiếp tục các giải pháp chống dịch và có biện pháp hỗ trợ DN cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng sử dụng vay vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng bị ảnh hưởng Covid-19. Đồng thời các TCTD thực hiện nhiệm vụ kép, bảo vệ sức khỏe cán bộ nhân viên ngân hàng và hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh trong điều kiện tác động ảnh hưởng của đại dịch theo định hướng của NHNN Việt Nam.

Các NHTM lại chuẩn bị hỗ trợ DN bị ảnh hưởng Covid-19

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên ngân hàng, NHNN thành phố yêu cầu các TCTD phải đảm bảo an toàn cho khách hàng trong quá trình giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt chống dịch trong giao dịch tiền mặt và tăng cường hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng phải xây dựng phương án giao dịch dự phòng đối với các phòng giao dịch, trên cơ sở chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin, quản trị mạng để có phương án ứng phó, kể cả phương án thay thế cán bộ khi phải cách ly cả phòng giao dịch vẫn phải đảm bảo giao dịch thông suốt cho người dân sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Đơn cử, ngày 3/8, Eximbank thông báo về việc UBND phường 12, Quận 10, TP.HCM ra thông báo số 777/TB-UBND tạm thời ngưng hoạt động 14 ngày đối với phòng giao dịch Eximbank Vạn Hạnh (địa chỉ 373 Sư Vạn Hạnh, phường 12) thuộc chi nhánh quận 10 của ngân hàng này do có 1 ca nhiễm Covid-19 đến giao dịch tiếp xúc trực tiếp (F1) với 1 nhân viên giao dịch.

Theo đó, Eximbank đã thông báo rộng rãi và cam kết tuân thủ và chấp hành các quy định của cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, nhằm bảo vệ sức khỏe và đảm bảo các giao dịch của khách hàng được xuyên suốt, Eximbank đã phun trùng và lau dọn phòng giao dịch Vạn Hạnh theo quy định. Thông tin cho khách hàng biết địa điểm giao dịch mới và dán thông báo tại phòng giao dịch Vạn Hạnh. Để không ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng, các hồ sơ của khách hàng tại phòng giao dịch Vạn Hạnh sẽ tiếp tục được chuyển cho Eximbank chi nhánh quận 10 xử lý. Các nhân viên còn lại của phòng giao dịch Vạn Hạnh tự cách ly tại nhà và tuân thủ theo sự hướng dẫn của cơ quan y tế và địa phương về công tác phòng, chống dịch.

Eximbank còn khuyến khích khách hàng của mình sử dụng nhiều hơn nữa các dịch vụ ngân hàng điện tử như: Internet Banking, Mobile Banking nhằm hạn chế gia tăng vật dẫn lây nhiễm. Hiện nay, các ứng dụng này đã được Eximbank tích hợp nhiều chức năng để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu đa dạng về thanh toán hàng hóa, dịch vụ như: Chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn điện nước, mua vé máy bay và các dịch vụ tiện ích khác.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng vừa công bố tiếp tục chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu. Theo đó, khách hàng nằm ở các địa phương đang có dịch bệnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Đăk Lăk nếu có khoản vay vốn trả góp theo ngày phát sinh từ ngày 25/7/2020 trở về trước và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến 30/9/2020 sẽ được giảm tối đa đến 50% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán. Theo Kienlongbank, dự kiến sẽ có hơn 1.300 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày trong khoảng thời gian này nằm trong diện được xét duyệt hồ sơ hỗ trợ.

Bà Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết: “Đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và bệnh bạch hầu ở nước ta, họ thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Khi những khách hàng đã gắn kết với Kienlongbank suốt 5, 10 năm, thậm chí 20, 25 năm đang gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống mưu sinh thì chúng tôi phải hành động để kịp thời chia sẻ khó khăn lúc cấp thiết này”.

Mô hình nhân viên và cộng tác viên của Kienlongbank đi thu nợ trả góp theo ngày đối với những khoản cho vay nhỏ lẻ nắm bắt rất sát đời sống khó khăn của người lao động gặp khó khăn trong thời dịch bệnh. Trong tháng 4 vừa qua giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – thương mại – dịch vụ, kinh tế bị trì trệ thì nhu cầu cấp bách của khách hàng thời điểm này chính là giải quyết khó khăn nợ vay trước mắt.  

Ông Tô Duy Lâm cho rằng, các TCTD chia sẻ những khó khăn với DN với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho chính các ngân hàng. Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong những tháng đầu năm nay cần tiếp tục được phát huy trong lúc này. Đó là chủ động và tăng cường các biện pháp trong hoạt động tín dụng, dịch vụ, kiểm soát tốt nợ xấu, đảm bảo duy trì sự ổn định và tăng trưởng. Điều này cũng chính là tinh thần của cải cách hành chính và phát triển dịch vụ nâng cao hoạt động hiệu quả của các ngân hàng. Tuy nhiên, các TCTD vẫn phải tuân thủ các quy định về tín dụng, lãi suất và tỷ giá, an ninh an toàn hoạt động ngân hàng. “Các TCTD hỗ trợ khó khăn trong hoạt động kinh doanh của DN trong giai đoạn trước đây vẫn còn nguyên giá trị”, ông Lâm cho biết.

Theo số liệu báo cáo của các TCTD trên địa bàn TP.HCM, trong đợt dịch Covid-19 đầu năm nay, tổng dư nợ hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng Covid-19 trên địa bàn của các TCTD đã lên đến 382.500 tỷ đồng đối với 230.636 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại nợ cho hơn 168.604 khách hàng với dư nợ đạt 62 ngàn tỷ đồng, miễn giảm lãi suất cho trên 17 ngàn khách hàng với dư nợ trên 49 ngàn tỷ đồng, cho vay mới lũy kế đến cuối tháng 6/2020 với doanh số 270 ngàn khách hàng đối với trên 44 ngàn khách hàng.

Theo thoibaonganhang.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank