• English

Tin thị trường

Thương mại điện tử: Nhà cung cấp ở nước ngoài phải đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam

Việc thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang được ngành Thuế triển khai, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là quản lý thuế (QLT) đối với các giao dịch xuyên biên giới.

Hội thảo “Quản lý thuế trong nền kinh tế số”

Tới đây, khi Luật QLT (sửa đổi) đang được thông qua, nhà cung cấp ở nước ngoài có trách nhiệm đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Giao dịch xuyên biên giới - thất thu thuế nhà thầu

Tại Hội thảo “QLT trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế tổ chức hôm qua (8/5), ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng- GTGT, Thu nhập DN - TNDN, Thu nhập cá nhân - TNCN) các văn bản hướng dẫn thi hành.

”Tuy nhiên, kinh doanh TMĐT là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh nên vẫn còn một số tồn tại gây khó khăn cho công tác QLT…”- ông Huy thừa nhận. Một loạt khó khăn được chỉ ra như: Một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh; Hóa đơn giấy vẫn là chứng từ được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch TMĐT; Khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ… Khó khăn lớn nhất được nhiều ý kiến chia sẻ với ngành Thuế là quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube…

Không đưa ra con số thuế thất thu, song đại diện Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, các DN và cá nhân này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số DN có doanh thu hàng năm hàng trăm tỷ đồng, các cá nhân có phát sinh thu nhập hàng năm hàng chục tỷ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. “Song chỉ có một số DN thực hiện kê khai nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế…” - ông Huy cho biết.

Quản lý thuế từ gốc

Theo đại diện Tổng cục Thuế, giải pháp căn cơ nhất vẫn là giải pháp về thể chế. Cụ thể, sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật thuế (như Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN, Luật Thuế XNK và các văn bản hướng dẫn thi hành) để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh TMĐT phát sinh tại Việt Nam.

Liên quan đến giải pháp về QLT, theo Tổng cục Thuế, Luật QLT hiện nay đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của QLT hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT thông qua các quan điểm trọng yếu như cơ chế tự khai - tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác QLT (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử). Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong QLT nói chung và TMĐT nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của TMĐT, cần phải có các hướng dẫn chi tiết cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp QLT.

Một trong những nội dung quan trọng tại Luật QLT (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) là:  Bổ sung các nội dung liên quan đến việc QLT đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác QLT trong lĩnh vực TMĐT; Bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động TMĐT thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Bảo mật thông tin khách hàng hay chia sẻ?

Chia sẻ khó khăn trong công tác QLT, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỏ ra băn khoăn khi quy định ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng, tài khoản giao dịch của khách hàng cho cơ quan thuế, bởi như vậy sẽ xung đột với quy định bảo mật thông tin khách hàng của ngành Ngân hàng. Dự thảo Luật QLT (sửa đổi) bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản; Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Theo baophapluat.vn

Đăng ký nhận tin
KienlongBank