Thủ tướng nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi rào cản, tinh thần lớn nhất không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế... 8h sáng nay (29/4) tại hội trường Thống nhất (Tp.HCM), tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp năm 2016.
“Không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế”
8h sáng: Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp bắt đầu. Cùng dự với Thủ tướng còn có 4 Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nói trong xây dựng đất nước, đi đầu vẫn là đội ngũ doanh nghiệp việt Nam, những người tiên phong đó phải được lắng nghe được tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển còn nhiều rào cản, đã có nhiều chính sách ban hành nhưng rào cản còn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì thế, theo Thủ tướng, Chính phủ trực tiếp muốn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cuộc gặp này phải thực chất, gặp không phải chỉ để nghe mà còn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ do dân vì dân phải lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu, sau khi nghe ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ ngành phát biểu quan điểm rõ ràng về giải quyết những khó khăn doanh nghiệp nêu ra.
Hội nghị hôm nay đa số các thành viên Chính phủ, cơ quan tư pháp, Quốc hội đều có mặt, sẽ trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông nhấn mạnh.
Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế (các doanh nghiệp vỗ tay kéo dài).
Theo Thủ tướng, kết quả của hội nghị này sẽ tạo niềm tin mới cho doanh nghiệp, và khởi đầu. Ông cũng nhấn mạnh, chân thành cầu thị thẳng thắn sẽ là phương châm xuyên suốt nhất quán trong đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp với mục đích lớn nhất là tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.
42% doanh nghiệp có lãi là “không bình thường”
8h10: Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường.
Ông Lộc cũng đề nghị 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp.
Gần 50% doanh nghiệp đã “chết”
Chủ tịch VCCI cho biết, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, ở Việt Nam đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%).
Dẫu biết rằng các doanh nghiệp ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, riêng năm 2015 là 80.000 doanh nghiệp, quý 1/2016 tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, ông Lộc nhấn mạnh.
Thông tin từ Chủ tịch VCCI cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn.
Ông Lộc phân tích, con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn, Và, tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng lên, song chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại.
Trong điều kiện một nền kinh tế thị trường non trẻ, mở cửa, hội nhập và có nhiều cơ hội kinh doanh như ở Việt Nam, thì con số này rất đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường.
5 năm quốc gia khởi nghiệp
Trên cơ sở nhận diện đúng tình hình doanh nghiệp như trên, Chủ tịch VCCI đề nghị 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp.
Ông Lộc đề nghị, Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.
Hai việc cần làm ngay, theo Chủ tịch VCCI là phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp.
Hai là, vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Ông Lộc đề nghị, trước mắt, với gần 6.000 điều kiện kinh doanh, đến ngày 1/7 tới cần công bố đầy đủ điều kiện đối với từng ngành nghề trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư để mọi người dân, doanh nghiệp biết và tuân thủ.
“Tôi được biết ngày 25 tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có mệnh lệnh dứt khoát thực hiện đúng yêu cầu của luật doanh nghiệp, luật đầu tư, không cho phép các bộ bàn lùi. Tôi hy vọng mệnh lệnh quan trọng này của Thủ tướng sẽ được các vị bộ trưởng thực thi nghiêm túc, không thể chậm trễ, với nhận thức rằng, chậm trễ ngày nào là cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, cản trở sự phát triển của đất nước ngày đó”, Chủ tịch VCCI phát biểu.
Kiến nghị của các hiệp hội
8h45: Điều hành phần phát biểu của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nghiệp bớt kính thưa kính gửi để tiết kiệm thời gian.
Nêu ý kiến đầu tiên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu 8 kiến nghị trong đó có ban hành Luật về hội và thành lập ban chỉ đạo khởi nghiệp quốc gia.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam hoan nghênh Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật về môi trường. Mong muốn Việt Nam sẽ có kế hoạch phát triển và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, hy vọng các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào việc tiết kiệm năng lượng.
Đại diện hiệp hội này cũng tin tưởng Chính phủ mới sẽ đảm bảo kinh tế tư nhân Việt Nam khởi sắc.
Mong muốn "nền kinh tế sẽ như một bản nhạc giao hưởng"
8h55: Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng BIDV là người đăng đàn tiếp theo. Theo ông, chủ đề cuộc gặp gây sự phấn khích cho doanh nghiệp.
Ông Hà nêu Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã ban hành hơn 10 tháng nhưng chưa có hướng dẫn. Đề nghị của vị doanh nhân này là dưới luật chỉ nên có Nghị định không nên có thông tư. Phải có cơ chế giám sát và xử lý mạnh mẽ cán bộ nhũng nhiễu người dân doanh nghiệp (hội trường vang lên tiếng vỗ tay).
Ông Hà cũng cho rằng, hiện nay lãi suất cho vay đang tốt nhất trong nhiều năm qua. Nhưng BIDV cam kết ngay hôm nay sẽ tiết giảm lãi suất cho vay cả ngắn và trung dài hạn.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, ông Hà nói rằng chờ hơn 3 năm không có nghi định tạo lập thị trường mua bán nợ, đề nghị phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo xử lý.
Ông Hà mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói hiện nay chưa có khoảng trống pháp lý của hai luật ông Hà nêu (vì có hiệu lực từ 1/7/2016) và Thủ tướng đã chỉ đạo phải dùng thủ tục rút gọn để giải quyết vấn đề này.
Cộng đồng doanh nghiệp còn yếu về mọi mặt
9h13: Đại diện Ôtô Trường Hải, ông Trần Bá Dương - một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại các ngành kinh tế để có chính sách phù hợp và cần có cơ chế bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Vị này cũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp còn yếu về mọi mặt và không ít doanh nghiệp có sai lầm do chủ quan có hệ lụy đến ngày hôm nay.
Doanh nhân Trần Bá Dương mong Chính làm tốt vai trò kiến tạo, điều hành nền kinh tế đủ sức hội nhập thời gian tới.
9h21: Doanh nhân Trần Bá Dương dừng lời, Thủ tướng nói khi chúng ta hội nhập sâu thì chấp nhận những dòng thuế giảm, cho nên ôtô Trường Hải đã chủ động đầu tư 30 nhà máy sản xuất ôtô, năm nay nộp thuế trên 1 tỷ USD.
9h22: Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản nói, liên quan đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam thì nghĩ ngay đến phần mềm và nông nghiệp.
Công nghệ thông tin ở Việt Nam rất tiềm năng và Nhật Bản rất quan tâm đến lĩnh vực này. Mong muốn Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này, đại diện hiệp hội nói.
Nhấn mạnh nông nghiệp cũng là thế mạnh, vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản nói Nhật rất thành công trong lĩnh vực này và rất mong muốn chia sẻ với Việt Nam.
Luật Lao động và Luật Đầu tư cần có những sửa đổi, vì quy định hiện hành có thể tạo ra những quy định không cần thiết cho nhà đầu tư, vị đại diện này nói.
Quy định về giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam, theo đại diện Hiệp hội đã làm tăng chi phí lao động rất lớn làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Vị này đề nghị nới rộng thời gian làm thêm giờ ở mức độ hợp lý.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi với các bộ ngành của Việt Nam.
Xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam
9h33: Đại diện Hợp tác xã Sài Gòn coop phát biểu, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước thách thức hết sức to lớn, bên cạnh cơ hội.
Thị trường bán lẻ hiện đại đã khắc phục nhiều hạn chế thị trường bán lẻ truyền thống và có đóng góp ngày càng lớn, các doanh nghiệp bán lẻ ngoaị đã thâm nhập nhiều hơn vào Việt Nam, vị này nói.
Hai thách thức được vị này đề cập là dù có lộ trình để bảo vệ các nhà bán lẻ trong nước nhưng việc triển khai còn chậm.
Chúng ta đang ở trong thế yếu, cần tận dụng bằng được những gì đã thương lượng, vị doanh nhân nhấn mạnh.
Thách thức thứ hai là các nhà bán lẻ nước ngoài có nhiều thuân lợi trong mua bán sáp nhập còn ở Việt Nam thì qua rất nhiều quy trình, vì chủ yếu thực hiện ở nước ngoài.
Đại diện Hợp tác xã kiến nghị cho xây dựng chiến lược bán lẻ và xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đẩy nhanh chính sách hỗ trợ để bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ.
Thủ tướng giao ngay cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết kiến nghị của vị đại diện Hợp tác xã.
Bộ trưởng đã gật đầu chắc chắn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Đề xuất lập ủy ban cải cách thể chế
9h43: Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc được mời phát biểu. Vị này chọn vấn đề lao động, tiền lương để kiến nghị. Cụ thể là Việt Nam cần nhất quán chính sách lao động tiền lương để doanh nghiệp chủ động.
Theo vị này, việc sử dụng lao động nước ngoài bên cạnh lao động Việt Nam là rất cần thiết nhưng chính sách gần đây khiến người lao động nước ngoài khó khăn hơn trong cấp phép vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn và nhỏ thì cần quy định riêng không nên áp dụng chung và mang tính cưỡng chế, vị doanh nhân Hàn Quốc nói.
Vị doanh nhân Hàn Quốc cũng đề xuất lập ủy ban cải cách thể chế dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
9h53: Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo thể hiện sự vui mừng trước thông điệp của hội nghị và đề nghị các doanh nhân vỗ tay về thông điệp này.
Sau đó vị này giới thiệu về doanh nghiệp nhưng Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ngắt lời, đề nghị không cần giới thiệu nhiều về doanh nghiệp.
Nhưng sau đó bà Thảo vẫn tiếp tục giới thiệu và bên dưới liên tục vỗ tay đầy hàm ý.
Đại diện Vietjet góp ý một số nội dung liên quan đến doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam như có giải pháp giảm "định kiến" đối với các hãng hàng không tư nhân. Đồng thời tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng hàng không, tiếp cận các dịch vụ về hạ tầng cảng vụ, bảo đảm kỹ thuật, và cải tạo hạ tầng sân bay...
Thời gian quảng cáo hơi nhiều, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bình luận.
10h00: Ý kiến từ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai qua đầu cầu trực tuyến nêu kiến nghị liên quan đến khó khăn của các doanh nghiệp cao su, đề nghị có chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến nông sản.
“Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”
10h05: Đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, bà Mai Kiều Liên kiến nghị cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, bỏ bớt giấy phép con không cần thiết, các quy định cấp phép phải rõ ràng, hạn chế ban hành nghi định bổ sung giấy tờ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao tính liên thông giữa các bộ ngành trong cấp phép đầu tư, rà soát lại thủ tục Hải quan để các cơ quan có các cơ quan liên kết chặt chẽ khi xử lý hồ sơ của doanh nghiệp...
Bà Mai Kiều Liên cũng mong được tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu con giống, xử lý chất thải trong chăn nuôi hiện nay quy định ở mức cao không cần thiết.
Đề nghị các cơ chế chính sách đã được doanh nghiệp thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Và cuối cùng bà Mai Kiều Liên bày tỏ, Vinamilk cũng như cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.
Thủ tướng chỉ đạo là doanh nghiệp nào đăng ký đều được phát biểu hết, ông Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
10h10: Đại diện Công ty Phần mềm Quang Trung đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các công ty phần mềm. Vị này cũng nêu một số kiến nghị đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin.
Khó khăn trong thủ tục thuê đất cũng được đại diện công ty phản ánh và đề nghị cơ chế tháo gỡ.
10h16: Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang nói, ngành này đang đứng trước thách thức lớn. Vị này đề nghị điều chỉnh quy hoạch ngành đã không còn phù hợp, xây dựng quy hoạch ngành gắn với các khu công nghiệp.
Tiêu chuẩn môi trường hiện nay gom vào một cục trong khi đó ngành may không nhất thiết phải đưa tiêu chuẩn quá nặng nề, đề nghị cần điều chỉnh, vị đại diện kiến nghị.
Phản ánh nhiều đơn hàng của Việt Nam đã bị chuyển ra nước ngoài, vị này cho rằng lương tối thiểu là áp lực rất nặng nề với doanh nghiệp Việt Nam và cần có giải pháp tháo gỡ.
Giờ làm thêm giới hạn 300 giờ môt năm là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện hiệp hội phản ánh và đề nghị nới lên 500 giờ.
Một quý ba, bốn đoàn kiểm tra, cứ liên tục như vậy thì rất ức chế, đề nghị gom tất cả các cơ quan cùng đến một lần, vị này đề nghị trong tiếng vỗ tay của đại diện doanh nghiệp.
10h16: Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam nêu kiến nghị từ sách trắng của EuroCham.
Vấn đề năng lượng tái tạo theo vị này Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và các công ty Châu Âu sẵn sàng hợp tác.
Về dược phẩm cũng có rất nhiều cơ hội phát triển, vị này đề nghị cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được mở văn phòng liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần đảm bảo quyền này cho các doanh nghiệp, đại diện EuroCham kiến nghị.
"Cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản"
10h33: Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, nêu bức xúc về tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp. Quá trình thẩm định nhiêu khê đẻ ra cơ chế xin cho. Kiến nghị từ Hiệp hội là xem xét thay tiền sử dụng đất bằng một sắc thuế để hạn chế cơ chế xin cho.
Vị này cũng đề cập sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng không nên gây sốc cho thị trường.
Cần công bằng với doanh nghiệp bất động sản, đại diện hiệp hội kiến nghị.
Vẫn còn doanh nghiệp đăng ký nhưng do thời gian có hạn nên sẽ tập hợp phản ánh qua VCCI.
10h40: Hội nghị giải lao.
“Cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên”
1105h: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2011-2015, kinh tế xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
Thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, một loạt các văn bản Luật được sửa đổi ban hành với nhiều đổi mới mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động và phát triển. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được phát huy, đóng góp 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và 48,3% GDP vào cuối năm 2015.
Mặc dù vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua chủ yếu vẫn dựa trên các yếu tố phát triển theo chiều rộng, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn nền kinh tế thấp hơn nhiều so với mặt bằng khu vực. Chính sách có nhiều nhưng còn cắt khúc, manh mún, chưa đồng bộ và còn nhiều vướng mắc trong thực thi, khó tiếp cận.
Kết quả triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sau hai năm chưa có nhiều thay đổi rõ nét. Khu vực doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Các yếu tố này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả quốc gia.
Mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%giai đoạn 5 năm tới đang đặt ra cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia lên một bước.
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả phải bắt đầu từ chính mỗi doanh nghiệp, mỗi cán bộ và cả nền hành chính. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia chỉ có được khi chúng ta có một lực lượng doanh nghiệp phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, năng suất lao động cao.
Trong bối cảnh những lợi thế so sánh truyền thống đang mai một dần, dư địa để phát triển không còn nhiều, chúng ta cần phải tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, nền tảng tri thức và công nghệ, trong đó khu vực doanh nghiệp là yếu tố then chốt.
Chúng ta cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của khu vực doanh nghiệp - phải coi đó chính là nền tảng, là động lực tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cũng chính với ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tổ chức Hội nghị hôm nay như một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Nhân Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành độngcụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.
Trước hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường. Từng bước thực hiện tự do hóa các thị trường yếu tố sản xuất. Phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường.
Tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dù là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước đều được tiếp cận công bằng, minh bạch tới các nguồn lực về đất đai, tài nguyên và vốn của quốc gia; đảm bảo nguồn lực được phân bổ tới người sử dụng hiệu quả nhất. Đặt doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng cùng doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác.
Hai là, trong giai đoạn 2016-2020 tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ đã được thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”.
Chủ động rà soát, kiến nghị Chính phủ bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Kiến nghị Chính phủ các giải pháp cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩuphù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tưtheo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ.
Ba là, để có được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đủ mạnh, vai trò của Chính phủ còn cần phải thể hiện bằng những hành động hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủtrình Quốc hội dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ căn bản về môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, thị trường, mặt bằng sản xuất, tín dụng... dự thảo Luật còn đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo mục tiêu như: hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạothông qua các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, quỹ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành; hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội.
Bốn là, để những hỗ trợ này đi đúng và trúng tới những doanh nghiệp cần và xứng đáng được hỗ trợ thì không thể thiếu được vai trò của cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng tài trợ quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp.
Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, thay đổi quan điểm từ hỗ trợ chung chung, đại trà tất cả các doanh nghiệp sang hỗ trợ có lựa chọn theo ngành, lĩnh vực và mục tiêu dài hạn nhất định. Ưu tiên tập trung vào khu vực các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh quốc gia, có ứng dụng đổi mới sáng tạo, định hướng xuất khẩu, doanh nghiệp liên kết trong các chuỗi giá trị, cụm liên kết tạo giá trị gia tăng cao. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng theo chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Cuối cùng, cho phép tôi được thay mặt lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gửi lời kính chúc sức khỏe và hạnh phúc tới Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.
Chúc cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn là người bạn đồng hành, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
11h14: Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định thời gian qua đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng hoàn thiện một bước về thể chế, rất nhiều khó khăn vướng mắc đã được giải quyết.
Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khan trong nộp thuế và thông quan hang hoá, ông Dũng thừa nhận.
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng nêu nhiều mục tiêu dài hạn để nâng cấp thị trường tài chính – chứng khoán, phấn đấu giảm thời gian nộp thuế, tập trung hoàn thuế, giảm thời gian thông quan hang hoá, đẩy nhanh hải quan một cửa quốc gia.
Nêu lại con số thuế và phí chiếm 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp từ báo cáo của VCCI, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu vấn đề này khi được cho là quá cao.
Quy định tốt cán bộ không tốt thì vẫn ách tắc nên chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ Tài chính cam kết lắng nghe đầy đủ ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ trưởng phát biểu.
11h25: Thống đốc Lê Minh Hưng được mời phát biểu
Cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay
Ông Hưng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã đang và sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tín dụng đã lưu thông trở lại với mức tăng mạnh so với cuối năm 2015, ông Hưng cho biết.
Ông Hưng cũng nhấn mạnh diễn biến tiền tệ đang nổi lên một số thách thức như tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại. CPI có xu hướng tăng nhanh hơn các năm gần đây đặt ra thách thức kiểm soát lạm phát.
Tín dụng tăng khá nhanh, tín dụng trung dài hạn đã tăng 5% so với cuối năm ngoái, lãi suất huy động tăng nhẹ và có thể tăng tiếp trong thời gian tới.
Để kiểm soát lạm phát dưới 5%, ông Hưng cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo dõi sát mặt bằng lãi suất và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, ông Hưng nói.
Nhưng điều hành lãi suất phải theo diễn biến kinh tế vĩ mô, Thống đốc nói thêm.
Ngày 27/4 Ngân hàng đã yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất và các ngân hàng rất đồng thuận, vẫn theo Thống đốc.
Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ cũng là nội dung được Thống đốc cam kết. Ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm ngoại tệ nâng dự trữ ngoại hối hiện đã cao nhất từ trước tới nay.
Ngân hàng sẽ ban hành chỉ thị để ổn định thị trường ngoại hối, lãi suất cho vay và an toàn hệ thống, ông Hưng báo cáo Thủ tướng.
Liên quan đến ý kiến lãi suất ở Việt Nam cao, ông Hưng cho là lãi suất hiện nay tượng đối phù hợp. Mặt bằng lãi suất phải cân nhắc thận trọng, xem xét thật kỹ, Thống đốc nhấn mạnh.
Việc sửa Thông tư 36, theo Thống đốc là cần thiết. Bối cảnh hiện nay nhu cầu vốn là rất lớn trong khi nguồn vốn hạn chế nên cần được xem xét để sử dụng sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ông Hưng nói.
Cải cách hành chính là sống còn
11h40: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đăng đàn tiếp sau Thống đốc. Ông nói, Bộ Công Thương yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính là sống còn, Bộ đã tiến hành nhiều biện pháp tới đây sẽ đưa toàn bộ dịch vụ hành chính công trực tuyến để thuận lợi cho dân và doanh nghiệp.
2016 sẽ cắt bỏ thêm nhiều thủ tục hành chính để đảm bảo thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp, Bộ trưởng cam kết.
Một số kiến nghi của doanh nghiệp tại hội nghị cũng được Bộ trưởng hồi âm, trong đó có vấn đề thị trường bán lẻ.
Bộ đã xây dựng chiến lược về công nghiệp bán lẻ, có ưu tiên doanh nghiệp trong nước, nhưng vẫn cấp phép cho daonh nghiệp FDI Bộ trưởng cho biết.
Chúng tôi đang xây dựng nội dung mới của chiến lược này, đảm bảo lợi ích các bên, Bộ trưởng cho biết thêm.
Với công nghiệp ôtô, Bộ trưởng khẳng định sẽ có chiến lược phát triển phù hợp, bền vững.
11h52: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lên bục phát biểu, Phó thủ tướng đề nghị ông nói 5 phút.
Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tốc độ lập qui hoạch, nhất là qui hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết xây dựng ở các khu vực có nhu cầu đầu tư; tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở, chú trọng thiết kế đô thị... làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở theo quy hoạch và kế hoạch.
Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực đầu tư xây dựng, cụ thể:
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường... theo hướng: Lồng ghép thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường... trong thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, không tách thành các thủ tục riêng.
Đề nghị các địa phương tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, đô thị và nhà ở; rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy định quản lý trên địa bàn; thực hiện công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quản lý nhà nước, đặc biệt bộ phận giải quyết thủ tục hành chính; có chế tài và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình thực hiện.
Chính phủ và ngành công an không có chủ trương hình sự hoá
12h: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng được mời phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp và đây là điều ít khi xảy ra, theo lời Thủ tướng.
Ông Lâm nói, Bộ Công an đã góp phần tạo môi trường an ninh an toàn lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Bộ này cũng đã chủ động phát hiện yếu kém của ngân hàng thương mại, tập đoàn tổng công ty nhà nước để góp phần tái cơ cấu khu vực này.
Theo Bộ trưởng, qua cải cách hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, giảm thời gian cấp hộ chiếu và một số thủ tục khác.
Trung bình mỗi năm triệt phá 3.000 ổ nhóm tội phạm có nhiều tội phạm núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp, ông Lâm cho biết.
Nhiều con số phá án kinh tế, môi trường cũng được Bộ trưởng đề cập.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ quy định cụ thể hơn về điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng công an không có chủ trương hình sự hoá nhưng vẫn có một số cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra án oan sai làm ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Ông Lâm đề nghị được cung cấp thông tin về những sai phạm của cán bộ trong ngành.
Chính phủ và ngành công an không có chủ trương hình sự hoá, Thủ tướng khẳng định. Nhưng vi phạm như xả độc ra môi trường thi phải xử lý nghiêm, Thủ tướng nói tiếp.
12h14: Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu về tiền lương và bảo hiểm xã hội.
Ông nói, đến 2017 sẽ tiến hành xây dựng mức lương tối thiểu trên cơ sở năng suất lao động và nhiều yếu tố khác.
Về tăng giờ làm việc, có hiệp hội đề xuất tăng đến 600 giờ một năm nhưng luật chỉ cho tăng đến 200 giờ, ông Dung giải thích. Theo ông, xu hướng chung là giảm dần tăng giờ, cả chính thức và làm thêm. Tuy nhiên ở một số lĩnh vực đề nghị Chính phủ cho phép tối đa.
Quy định hiện nay cũng không khó khăn hơn cho lao động nước ngoài, ông Dung khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh là bộ trưởng cuối cùng hồi âm doanh nghiệp ngay tại hội nghị.
Ông cam kết sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ một cách thuận lợi nhất.
Bộ trưởng cũng mong các doanh nghiệp chuẩn bị tốt để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ. Bộ sẽ làm tốt hơn vai trò đầu mối, Bộ trưởng cam kết.
12h25: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lên bục phát biểu. Ông nói ưu tiên hàng đầu được Thủ tướng trao đổi là làm sao cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Làm sao để môi trường cạnh tranh an toàn, bình đẳng, giảm chi phí theo Phó thủ tướng là vấn đề Chính phủ rất quan tâm.
Phó thủ tướng cũng nói điểm mới về Nghị quyết 19 của năm nay. Mọi năm mới chỉ tâp trung vào một số bộ, còn bây giờ tất cả thành viên Chính phủ đều vào cuộc. Trước đây thực thi còn khoảng cách, bây giờ chọn từng việc và làm đến cùng và quy trách nhiệm.
Quan trọng nhất lần này trách nhiệm rất nặng cho Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là mở diễn đàn để tiếp thu và xử lý rốt ráo vướng mắc của doanh nghiệp. Thông qua diễn đàn này sẽ tiếp thu tất cả ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp.
Tất cả các bộ ngành chính quyền đều cam kết và đề nghị doanh nghiệp đồng hành, không có nghĩa là đi cùng nhau mà cùng nhau tháo gỡ, doanh nghiệp cần kiến nghị có tình có lý có căn cứ pháp lý để dễ tiếp thu, Phó thủ tướng nói.
Tuyệt đối không đặt ra rào cản kinh doanh bất hợp lý
12h35: Phó thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu về việc triển khai luật doanh nghiệp và đầu tư – hai luật mà theo ông là Thủ tướng rất quan tâm.
Nếu đến ngày 1/7 mà không có đủ hướng dẫn thì sẽ tạo khoảng trống pháp lý nên Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, ông Bình nói.
Tuyệt đối không đặt ra rào cản kinh doanh bất hợp lý, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Bình cho biết sẽ phân biệt rõ với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, rà soát các thông tư để xây dựng nghị định trình Chính phủ trước 30/5.
Theo Hiến pháp thì hạn chế quyền của dân không thể bằng thông tư nên thông tư có rồi phải nâng lên thành nghị định, Phó thủ tướng nói rõ.
Sau phần phát biểu của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình là lễ ký cam kết giữa Chủ tịch VCCI với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND Tp.HCM về cải thiện môi trường đầu tư với các chỉ tiêu tương đối định lượng.
Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về chính quyền điện tử, hồ sơ đăng ký qua mạng giải quyết trong hai ngày, cắt giảm 30% thời gian về thủ tục hành chính…
Tp.HCM cam kết thủ tục đăng ký đầu tư giảm 30%.
“Môi trường đầu tư chưa thuận lợi cho doanh nghiệp”
12h46: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết thúc hội nghị. Ông nói các địa phương đều phải cam kết như hai thành phố Hà Nội và HCM.
Ông cảm ơn 1 vạn doanh nghiệp và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương đã tham gia hội nghị tại Tp.HCM.
Thủ tướng nhắc lại Bác Hồ ngay sau ngày Việt Nam dành độc lập đã dành thời gian gặp doanh nhân và doanh nhân đã đóng góp rất lớn để xây dựng đất nước.
Doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên cần thừa nhận môi trường đầu tư chưa thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.
Các luật và văn bản hướng dẫn ban hành còn chậm khiến cho doanh nghiệp phải chờ đợi.
Có những trường hợp luật không rõ ràng dẫn đến cách hiểu khác nhau.
Chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp phát triển đột phá và áp dụng khoa học tạo ra thương hiệu lớn, Thủ tướng nhìn nhận.
Hạn chế được Thủ tướng đề cập tiếp theo là khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp Việt, phí chồng phí, thanh tra kiểm tra chồng chéo
Thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự thông suốt, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng nói doanh nghiệp cần tự cứu mình trước khi trời cứu, nhiều người thành đạt nhưng nhiều người chưa tự cứu mình đâu, ông nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Nhà nước sẽ đảm bảo quyền tự do kinh doanh và bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp.
Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng nói.
Các cơ quan Nhà nước phải nhận khó khăn về mình, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tưởng khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế của đất nước.
Ngăn chặn hình sự hoá là nội dung tiếp theo được Thủ tướng nhấn mạnh.
Giảm dần và tiến tới loại bỏ giấy phép con bất hợp lý, từ 1/7/2016 bỏ hết các quy định cũ không hợp lý, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đưa ra nhiều nhóm giải pháp thời gian tới, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp.
Việt Nam coi doanh nghiệp FDI là những người bạn, Thủ tướng khẳng định.
Cải cách và nâng cao quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết bãi bỏ điều kiện không còn phù hợp, doanh nghiệp được làm những gì nhà nước không cấm, là nội dung tiếp theo được người đứng đầu chính phủ đề cập.
Không tăng thuế, phí và giảm 1% lãi suất vay trong trung dài hạn và lĩnh vực ưu tiên, Thủ tướng nói tiếp
Hội nghị hôm nay có nhiều kiến nghị được tập hợp, chiều nay 15h Chính phủ sẽ họp để xử lý, Thủ tướng nói.
Ông cũng yêu cầu báo chí cần đồng hành và tôn vinh doanh nghiệp Việt.
Qua diễn đàn Thủ tướng cũng gửi gắm đên cộng đồng doanh nghiệp tinh thần cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng đi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có các Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.
Bí thư Thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng cũng có mặt trên bàn chủ toạ.
Gần 7h, nhiều doanh nghiệp đã có mặt tại hội trường thống nhất. Ban tổ chức kiểm tra tín hiệu đến các đầu cầu trực tuyến ở các địa phương.
Như VnEconomy đã thông tin, sáng 7/4 ngay khi vừa tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng đã nhận được bức công thư của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tổ chức hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm 2016 và ông đã đồng ý ngay.
Chưa đầy một tháng sau đó, đích thân Thủ tướng trân trọng mời các doanh nhân đến dự hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của đất nước.
Thông tin trước cuộc găp cho thấy công việc chuẩn bị có phần “căng thẳng” khi số doanh nghiệp muốn được tham dự đã vươt quá sức chứa của Hội trường Thống nhất (Tp.HCM).
Qua VCCI và nhiều kênh khác, hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp ở mọi miền đất nước đã được gửi đến Thủ tướng. Song với thời gian một buổi sáng, Thủ tướng yêu cầu các bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị báo cáo trong thời gian khoảng 5 phút.
Các báo cáo này được yêu cầu tập trung vào tình hình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo lĩnh vực phụ trách trên địa bàn.
Riêng VCCI được yêu cầu chuẩn bị báo cáo không quá 20 phút về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của doanh nghiệp và VCCI.
Trao đổi với VnEconomy, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trong số trên 500 ngàn doanh nghiệp còn hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015 chỉ có 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn.
Con số 42% này, mặc dù được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước, nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Vì thế, những kiến nghị của doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo giải quyết được cho là việc làm rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại.
NGUYỄN LÊ