Cùng dự có các nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ ngành, địa phương.
Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (trên 9 tỷ USD). Dự án do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) làm chủ đầu tư 1 là liên doanh quốc tế về lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam - Nhật Bản - Kuwait (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 25,1%; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait góp vốn 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản góp vốn 35,1%; Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản góp vốn 4,7%). Đây là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực khoa học công nghệ, kinh nghiệm về đầu tư và quản lý các dự án lọc hóa dầu ở nhiều quốc gia.
Dự án có công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trong tháng 5 và tháng 6, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã sản xuất thành công 10 sản phẩm lọc hóa dầu theo thiết kế như: Khí hóa lỏng, xăng A92, A95, dầu diesel, dầu hỏa... Tính đến tháng 12 này, nhà máy đã chế biến khoảng 5 triệu tấn dầu thô, nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng, giúp tổng thu ngân sách của Thanh Hóa lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo kế hoạch, khi đạt 100% công suất vận hành, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng được 40% thị trường nhiên liệu trong nước, các sản phẩm hóa dầu chiếm khoảng 17% tổng sản lượng sẽ được xuất bán ở thị trường nước ngoài.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án trọng điểm quốc gia nên việc chính thức bước vào giai đoạn vận hành thương mại của dự án được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Thanh Hóa và tạo cú hích lớn đối với kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao nỗ lực của Tổng thầu EPC và các nhà thầu trong, ngoài nước với tinh thần vượt khó, hăng say lao động, sáng tạo, với gần 200 triệu giờ công lao động an toàn.
“Các bên đã phối hợp chặt chẽ, khoa học và trách nhiệm để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ và đã chạy thử thành công và hoàn thành mốc nghiệm thu sơ bộ quy định tại Hợp đồng EPC và đưa vào vận hành cho ra những lô sản phẩm đầu tiên chất lượng tốt”, Thủ tướng nhận xét.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là biểu tượng tốt đẹp của sự hợp tác quốc tế thực chất và hiệu quả; được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của các Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản, Kuwait và những đối tác quan trọng có các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sâu rộng với Việt Nam.
Ví dụ dự án nhận được sự bảo lãnh cam kết của Chính phủ Việt Nam; nguồn dầu thô nhập khẩu dài hạn 70 năm bảo đảm từ Kuwait; nguồn vốn vay được tài trợ từ các ngân hàng có uy tín của Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu.
Thủ tướng nêu rõ, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đưa vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong quá trình phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Với công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang vận hành thì sản lượng xăng dầu cung cấp từ các nhà máy này sẽ đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài.
Việc xây dựng thành công nhà máy lọc dầu Dung Quất trước đây và nay là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thấy đội ngũ cán bộ, kĩ sư và công nhân kỹ thuật Việt Nam đã từng bước làm chủ được công nghệ và nâng cao tay nghề; làm chủ công tác vận hành, bảo dưỡng đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều này đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về năng lực quản lý, thi công và vận hành, bảo dưỡng các nhà máy lọc hóa dầu của đội ngũ cán bộ và công nhân Vỉệt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng.
Sau sự kiện ngày hôm nay, theo Thủ tướng còn rất nhiều việc phải làm: “Tôi yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cần quản lý và vận hành thật tốt để Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động an toàn, ổn định, bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra, không để tồn tại các lỗi kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành”; phải tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cũng như hoàn thành các thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng theo đúng pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước các công trình xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về xây dựng, bảo đảm vận hành nhà máy tuyệt đối an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và đạt hiêu quả cao nhất.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tiếp tục thực hiện thành công các dự án trọng điểm khác về dầu khí, tiếp tục góp phần to lớn hơn nữa vào bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn có trách nhiệm cùng nhau tiếp tục chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đồng bào phải tái định cư đến nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho xây dựng Liên hợp Lọc hóa dầu; tiếp tục phát triển những ngành công nghiệp sau hóa dầu.
Cho rằng việc đưa Dự án Liên họp Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào vận hành thương mại là một lợi thế và cơ hội mới của tỉnh Thanh Hóa cũng như khu vực Bắc Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh trong khu vực khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, qua đó tạo động lực mới, sức mạnh tổng hợp mới, đưa Thanh Hóa phát triển thành một trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng và cả nước./.
Đức Tuân