5 kết quả nổi bật của ngành Thuế
Theo Thủ tướng Chính phủ, ngành Thuế liên quan đến người dân và doanh nghiệp rất lớn. Một trong những tiêu chí đánh giá trực tiếp môi trường kinh doanh Việt Nam chính là lĩnh vực thuế. Vai trò của ngành Thuế quan trọng trong liêm chính, kiến tạo, văn minh, tạo môi trường phát triển.
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 vẫn còn dư âm tuyệt vời. Là năm có nhiều kỷ lục liên quan đến ngành Tài chính. Lần đầu tiên ngành Thuế thu vượt 1 triệu tỷ đồng, ngành Tài chính thu vượt dự toán 5,9%.
Thủ tướng cho biết, 13/13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt được; bội chi lần đầu tiên đảm bảo trong kế hoạch Quốc hội giao; quy mô thị trường vốn cuối năm 2017 đạt 103,4% GDP mức cao nhất từ khi mở cửa thị trường đến nay… Thành quả trên của đất nước không tách rời đóng góp trực tiếp của ngành Tài chính, trong đó có trên 4 vạn cán bộ của ngành Thuế.
“Âm vang của việc hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đã tạo niềm tin cho thị trường và niềm tin cho doanh nghiệp. Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh, bền vững có sự đóng góp của ngành Thuế. Các đồng chí ngày đêm trăn trở, chống thất thu, đáp ứng nguồn chi cho an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tạo môi trường lành mạnh đáp ứng phát triển kinh tế- xã hội”, Thủ tướng Chính phủ nhận định.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã điểm lại 5 kết quả nổi bật của ngành Thuế.
Thứ nhất, không chỉ thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, mà còn có 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong nỗ lực thu ngân sách, đã có sự phối hợp đồng bộ trong chỉ đạo của ngành Thuế và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ hai, tỷ trọng thu nội địa trong 2 năm 2016-2017 chiếm khoảng 76,2% trong tổng thu ngân sách, cao hơn nhiều so bình quân giai đoạn 2011-2015, đã góp phần cơ cấu lại NSNN theo hướng tích cực, bền vững hơn.
Thứ ba, là công tác cải cách hiện đại hóa ngành Thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thông qua việc thực hiện rộng rãi, nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Kê khai thuế điện tử 99,71%, chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc, đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN, hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19 của Chính phủ. Báo cáo Chính phủ đã nêu rõ, đây là thứ hạng tăng nhanh nhất trong 10 chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh.
Thứ tư, ngành Thuế đã tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế. Việt Nam đã ký kết hiệp định thuế với 70 quốc gia. Sáng kiến Việt Nam đưa ra về tuyên bố chống xói mòn cơ sở thuế vừa qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC được hoan nghênh và đánh giá cao.
Thứ năm, ngành Thuế có đội ngũ cán bộ công chức có nhiều bước trưởng thành phát triển cả về chiều rộng và sâu đáp ứng yêu cầu của ngành. Trong đó đã xuất hiện nhiều cán bộ, tập thể, cá nhân giỏi.
Với những kết quả nêu trên, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ghi nhận đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Thuế, trong đó có sự phối hợp các bộ, ngành và vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong thực hiện chỉ tiêu thu NSNN. “Kết quả trên đã góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước. Ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ được giao trong năm 2017”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả của ngành Thuế được ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là chính sách thuế thay đổi nhanh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nên cần đảm bảo chính sách thuế ổn định hơn, toàn diện hơn theo kinh nghiệm quốc tế, tính toán đến số đông và người nghèo.
Bên cạnh đó, tình hình trốn thuế, chuyển giá, nợ đọng thuế, chây ỳ, trốn thuế ở một số địa bàn còn phức tạp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh; cơ cấu lại NSNN chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm dần, NSTW luôn căng thẳng do một số nguồn thu giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu thu...
Phấn đấu tăng thu 3%, ngành Thuế phải nỗ lực để thành công
Đối với các nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đề cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2018.
Về các chỉ tiêu ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngành Thuế cần giảm tỷ lệ nợ đọng xuống 5% trên tổng thu ngân sách, phấn đấu tăng thu 3% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Thủ tướng cho rằng, đây là con số lớn, phải phấn đấu quyết liệt mới có thể thành công. Đồng thời, ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần thu nội địa.
“Các mục tiêu trên là rất nặng nề, đòi hỏi cơ quan thuế, từng đơn vị phải có giải pháp cụ thể”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Liên quan đến các nhóm giải pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những gợi ý cụ thể đối với ngành Thuế.
Theo đó, ngành Thuế cần tiếp tục cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế, ứng dụng CNTT từ khai, nộp thuế; tích cực triển khai nhiệm vụ nhằm thực hiện thành công chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2020 và những năm tiếp theo; nâng cao chất lượng năng lực ngành Thuế, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đảm bảo trong thực thi công vụ, thực hiện nghiêm trong quy hoạch cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành Thuế cần tham mưu rà soát, hoàn thiện thể chế chính sách về thuế, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhâp, đảm bảo chính sách toàn diện có sức sống, tránh thay đổi quá nhanh chính sách thuế. Lấy người nộp thuế làm trung tâm, nếu tăng thuế cũng phải hài hòa với mở rộng cơ sở thu thuế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế.
Đối với một số lĩnh vực, Thủ tướng đề nghị cần tập trung quản lý thu thuế hộ kinh doanh, lĩnh vực ngoài quốc doanh; thực hiện thu thuế điện tử lĩnh vực ngoài quốc doanh; có chế tài ràng buộc cả người mua và người bán chấp hành nghiêm về hóa đơn trong thời gian tới. Thủ tướng cho rằng, ngành Tài chính có thể đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chế tài về vấn đề này, tuy nhiên phải có lộ trình.
Với một số kiến nghị của Tổng cục Thuế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý và cho rằng, cần thiết phải thực hiện bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan thuế; đồng ý xử lý nợ thuế với những khoản không có khả năng thu hồi, nhưng cần phải thực hiện chặt chẽ.
“Phát huy truyền thống, bài học kinh nghiệm, ngành Thuế tiếp tục có những giải pháp tích cực, kịp thời hơn để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng Chính phủ kết luận./.