Trong đó: Thu nội địa ước đạt 95,5 nghìn tỷ đồng, bằng 8,7% dự toán, bằng 98,6% so cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của DNNN), số thu nội địa còn lại ước đạt 78,2 nghìn tỷ đồng, bằng 9,3% dự toán, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2017.
Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,1% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ năm 2017; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 10,8% dự toán, tăng 5,7%; thuế Thu nhập cá nhân đạt 9,2% dự toán, tăng 7,2%; thuế Bảo vệ môi trường đạt 7,2% dự toán, tăng 15,7%; các loại phí, lệ phí đạt 8,7% dự toán, tăng 6%; thu từ khu vực DNNN đạt 7,8% dự toán, bằng 91,6% so cùng kỳ năm 2017.
Thu từ dầu thô, ước đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, bằng 11,4% dự toán, tăng 48,6% so cùng kỳ năm 2017.
Sở dĩ thu từ dầu thô đạt được kết quả trên là do giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 12/2017 đến nay duy trì ở mức cao (giá dầu WTI dao động quanh mức 64-66 USD/thùng). Giá dầu của Việt Nam thanh toán trong kỳ bình quân khoảng 66 USD/thùng, tăng 16 USD/thùng so với giá dự toán, cao hơn 7,4% so cùng kỳ năm 2017.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, bằng 8% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 1/2018 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; xăng dầu…) tăng so với cùng kỳ.
Sau khi hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ (8 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, bằng 8,1% dự toán.
Về chi NSNN tháng 1/2018 ước đạt 91,5 nghìn tỷ đồng, bằng 6% dự toán.
Trong tháng 1/2018 đã thực hiện phát hành 16,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi theo dự toán và trả nợ gốc của ngân sách trung ương./.