(Chinhphu.vn) - Nửa đầu năm 2017, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã ghi nhận những kỷ lục mới hứa hẹn một năm tràn đầy hy vọng đối với thu hút đầu tư nước ngoài cả về số lượng lẫn chất lượng các dự án.
Năm 2017 đi qua được nửa chặng đường và với số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lên tới 19,2 tỷ USD, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng hơn 50% so với năm 2016 đồng thời thiết lập đỉnh cao mới.
Theo con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, trong 6 tháng đầu năm, có 1.183 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 11,83 tỷ USD. Cùng với đó có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,14 tỷ USD và 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD, riêng nguồn vốn từ góp vốn, mua cổ phần tăng tới 97,6% so với cùng kỳ 2016 và đây cũng được xem là hiện tượng, là điểm nhấn cần lưu ý trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Rõ ràng dù có những cảnh báo về nguy cơ sụt giảm của nguồn vốn FDI khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, nhưng kết quả trong 6 tháng của năm 2017 cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn đang thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà không phải quá lệ thuộc vào Hiệp định này.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), là cơ hội tốt để kết nối Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới. Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.
Lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.Tính đến nay, lĩnh vực này thu hút nhiều nhất nhà đầu tư nước ngoài với 11.833 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 175 tỷ USD (chiếm 51,6% tổng số dự án và 58,9% tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam). Cơ cấu đầu tư như vậy được đánh giá theo hướng tích cực, và có tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã có quan hệ tốt và sự vận động sát và đúng với nhà đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia có tiềm lực về khoa học công nghệ, nhờ đó có sự tăng trưởng mạnh mẽ vốn đầu tư từ các quốc gia như Nhật, Mỹ, một số nước châu Âu. Việc nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cao trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng bởi đây cũng là những quốc gia trong khu vực có trình độ khoa học công nghệ và quản trị tốt. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư từ Mỹ, một số nước từ châu Âu như Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ… cũng đang tăng lên.
Trong năm 2017, nguồn vốn FDI có nhiều hy vọng sẽ thiết lập thêm các kỷ lục, đặc biệt là sau hai chuyến thăm đến Mỹ và Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa qua.
Hai chuyến thăm này có sự tham gia của nhiều DN, tập đoàn lớn của Việt Nam, đây không chỉ là cơ hội để các DN tìm kiếm, mở rộng thị trường mà chính bản thân các DN này là động lực thu hút các nhà đầu tư của Mỹ, Nhật vào Việt Nam.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế một cách toàn diện bền vững, năng lực sản suất cao hơn, và như vậy chúng ta hy vọng nguồn vốn đầu tư có trình độ công nghệ cao, có năng suất lao động lớn và chi phí thấp sẽ đến Việt Nam nhiều hơn.
PN