Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề nghị của Bộ Tài chính.
Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14/3/2022 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế BVMT đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong ngắn hạn, mức gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu khó có khả năng tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch vì nền kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, về cơ bản, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2022 sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách thuế bảo vệ môi trường do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn.
Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có thời hạn đến hết ngày 31/12/2022. Do đó, đề xuất này cũng không làm tăng phát thải khí nhà kính và không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn là chính sách kịp thời, cấp thiết nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo tapchitaichinh.vn