Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã có những nhìn nhận hết sức tích cực về kết quả hoạt động của hệ thống NH nói chung và NHNN nói riêng trong năm 2016.
Bước sang năm 2017, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước chưa thuận lợi, nhiệm vụ ngành Ngân hàng có thể nói hết sức nặng nề. Kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng ở tốc độ rất thấp. Vấn đề bảo hộ toàn cầu, xu thế bảo hộ mậu dịch cũng sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam…
Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên trong chương trình trọng tâm chung, như: điều hành CSTT, lãi suất, tỷ giá… trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, CSTT của NHTW các nước có nhiều trái chiều… với nỗ lực quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong năm 2017, cũng như những nỗ lực cải cách khác của NHNN.
Với chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% như Quốc hội và Chính phủ đặt ra, có thể nói đây là một chỉ tiêu rất thách thức và rất tham vọng. Quốc hội cũng đặt mục tiêu lạm phát bình quân năm nay ở mức 4% trong khi đó điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của chúng ta không giống như các nước, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Ngành NH. Chúng ta phục vụ đa mục tiêu, vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định tỷ giá… Tất cả những mục tiêu đó đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau, đòi hỏi trong hoạch định điều hành và sử dụng công cụ CSTT phải rất linh hoạt.
Quan điểm của Ban lãnh đạo NHNN là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô. Đây là bài học thấm thía của hệ thống NH trong việc giữ ổn định cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự tăng trưởng trong trung hạn. Cho nên giữ được lạm phát ở mức 4% là mục tiêu kiên quyết trong việc hoạch định điều hành CSTT. Chúng ta sẽ kiên trì, kiên định đường lối chính sách này. Có làm được như vậy ta mới có dư địa để các bộ ngành và Chính phủ điều hành công tác quản lý giá trong năm tới.
Nhiệm vụ năm nay rất khó khăn, nhưng chúng ta tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu cho phép có thể giảm lãi suất cho vay, đặc biệt lãi suất cho vay trung và dài hạn để chia sẻ khó khăn hỗ trợ cho nền kinh tế. Chúng ta phải điều hành linh hoạt các công cụ CSTT để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất.
Về tín dụng năm nay mục tiêu định hướng là xoay quanh 18%, tuy nhiên chúng ta cũng linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện hoạt động NH để có những điều chỉnh phù hợp. Quan điểm của NHNN là rất nhất quán trong việc tiếp tục chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt tập trung vào chất lượng tín dụng. Điều này yêu cầu các TCTD hết sức lưu ý tập trung công tác thanh tra giám sát, kiểm soát chất lượng tín dụng nhằm mục tiêu phát triển lành mạnh, không phát sinh nợ xấu và đảm bảo chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tốt hơn.
Vấn đề tái cơ cấu những NH yếu kém, chúng ta phải nói trách nhiệm của các TCTD Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đánh giá rất cao NHNN và hệ thống NH trong việc xây dựng Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Thường trực Chính phủ cũng đã cơ bản thông qua bổ sung một số nội dung để báo cáo lại Bộ Chính trị.
Khi Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt đề án đó, hệ thống NH có lộ trình tổ chức thực hiện. Với các TCTD, kể cả những TCTD tốt hay những TCTD còn những tồn tại, hạn chế đều phải có đề án của riêng mình gắn với lộ trình tổng thể của hệ thống NH trong 5 năm tới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện sớm ngay từ đầu năm 2017.
Bộ Chính trị, cơ quan thường trực Chính phủ cũng đồng ý có Luật mới, tạm gọi là Luật hỗ trợ tái cơ cấu NH và XLNX. Quan trọng nhất với vấn đề XLNX là quyền tài sản và bảo vệ quyền chủ nợ, xử lý TSBĐ. Các quy định liên quan đến hoạt động NH trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản... đều đã được rà soát và đưa vào trong khuôn khổ luật này. Dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2017.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, chúng ta không hy vọng là có thể nhận được nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vậy nguồn lực XLNX lấy ở đâu ra? Trước hết là tháo gỡ những vấn đề về thể chế, những vướng mắc về pháp lý. Các TCTD cũng như chi nhánh NHNN đều nhận thấy đây là điều tiên quyết trong việc có hành lang pháp lý để có thể nhanh chóng xử lý khối tài sản bảo đảm.
Cùng với đó là cần có những giải pháp để tăng cường hoạt động VAMC. Không kỳ vọng VAMC có thể giải quyết nhanh chóng thông qua cơ chế thị trường. Nhưng với việc tạo lập khuôn khổ pháp lý, chúng ta có đầy đủ pháp lý để mua bán nợ theo thị trường, có cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Quan trọng nhất là có đủ cơ sở pháp lý để VAMC hỗ trợ các TCTD trong quá trình XLNX. Đó là trách nhiệm lớn nhất của VAMC trong năm 2017. VAMC không phải trực tiếp đi xử lý mà phải hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực cho các TCTD. Với việc các TCTD quyết tâm, nếu tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý có thể tiến trình XLNX sẽ hiệu quả hơn.