• English

Tin thị trường

Thị trường ngày 27/11: Giá dầu đảo chiều tăng gần 3%, thép thấp nhất 5 tháng

Giá dầu phiên giao dịch đầu tuần này đã hồi phục lên trên 60 USD/thùng.

Dầu vượt ngưỡng 60 USD/thùng

Giá dầu kết thúc phiên đầu tuần (26/11) tăng gần 3%, song mức tăng bị hạn chế bởi sự không chắc chắn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dấu hiệu nguồn cung tăng, đặc biệt sản lượng dầu Saudi Arabia đạt mức cao kỷ lục.

Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau tăng 1,68 USD tương đương 2,9% lên 60,48 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giao sau tăng 1,21 USD tương đương 2,4% lên 51,63 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh, và thứ hai (26/11) là ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất của năm. Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dự trữ dầu thô tại điểm giao nhận dầu WTI bao gồm Cushing, Oklahoma chỉ tăng 126 thùng. Song mức tăng bị hạn chế do lo ngại về nhu cầu và sản lượng dầu Saudi Arabia trong tháng 11/2018 cao mức cao kỷ lục là 11,1-11,3 triệu thùng/ngày. Đồng USD tăng đã cắt giảm nhu cầu các nền kinh tế thị trường mới nổi, chi phí vay tăng cao và tăng trưởng toàn cầu bị đe dọa do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khiến các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường chứng khoán và dầu.

Vàng và paladium tăng

Giá vàng kết thúc phiên giao dịch tăng, do không chắc chắn về khả năng tăng lãi suất của Mỹ và kết quả cuộc họp G20 vào cuối tuần này, khi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ tập trung vào căng thẳng thương mại.

Vàng giao ngay duy trì vững ở mức 1.222,42 USD/ounce và vàng kỳ hạn giao sau tại Mỹ hầu như không thay đổi ở mức 1.222,4 USD/ounce.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thảo luận về tranh chấp thương mại tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tuần này. Phó chủ tịch điều hành dịch vụ đầu tư Walter Pehowich thuộc Dillon Gage Metals cho biết: "Nếu Trump và Tập Cận Bình không thể đi đến 1 thỏa thuận tại G20, thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm tới. Điều này sẽ hỗ trợ giá vàng tăng cao".

Những bất ổn liên quan đến Brexit và Italia cũng hỗ trợ giá vàng, khi đồng USD giảm nhẹ trong đầu phiên giao dịch. Đồng euro tăng so với đồng USD, do dấu hiệu Italia có thể cắt giảm mục tiêu thâm hụt ngân sách để đáp ứng yêu cầu của EU, trong khi đồng bảng Anh tăng sau khi EU và Anh đạt được thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn thận trọng khi thỏa thuận Brexit đối mặt với sự phản đối gay gắt trong quốc hội Anh.

Đồng thời palađium cũng tăng 2,2% lên 1.143,49 USD/ounce, sau khi giảm khoảng 3% trong phiên trước đó, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/8/2018.

Thép thấp nhất 5 tháng, quặng sắt thấp nhất gần 3 tháng

Giá thép tại Trung Quốc giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất 5 tháng, do lo ngại về nhu cầu suy yếu kéo dài.

Giá thép cây kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải giảm 3,8% xuống 3.553 CNY/tấn, trong phiên có lúc chạm 3.496 CNY (504 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/6/2018. Như vậy, giá thép cây đã giảm 21% kể từ mức cao đỉnh điểm 7 năm (4.418 CNY/tấn) trong tháng 8/2018. Nguyên nhân chính do nguồn cung thép tại nước sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu hàng đầu thế giới – Trung Quốc - tăng, trong khi nhu cầu suy yếu bởi thời tiết lạnh đã khiến hoạt động trong lĩnh vực xây dựng của nước này chậm lại. Trong khi đó, lo ngại tiêu thụ không thể hồi phục mạnh trong mùa xuân khi nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực từ chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán bất động sản giảm, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm sớm hơn, do thuế quan của Mỹ tăng cao.

Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên giảm gần 6% xuống 477,5 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 30/8/2018, do dự trữ quặng sắt tại các cảng chủ yếu của Trung Quốc tăng 350.000 tấn so với tuần trước đó, lên 140,95 triệu tấn hôm 23/11/2018, SteelHome cho biết.

Kẽm giảm do nhu cầu Trung Quốc suy yếu

Giá kẽm giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do dự kiến nhu cầu từ các nhà máy thép Trung Quốc suy yếu, lấn át dấu hiệu cho thấy rằng thị trường thiếu hụt kẽm.

Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,3% xuống 2.487 USD/tấn sau khi giảm 2,4% trong phiên trước đó, mặc dù dự trữ kẽm tại LME giảm 1/2 xuống 121.550 tấn, thấp nhất 10 năm, trong khi dự trữ kẽm tại Thượng Hải đạt 35.000 tấn, giảm so với mức gần 160.000 tấn trong tháng 3/2018. Như vậy, giá kẽm đã giảm 30% từ mức cao nhất hồi tháng 2/2018, do các nhà đầu tư dự đoán sản lượng kẽm tinh chế sẽ tăng sau một loạt các mỏ khai thác mới hoạt động. Giá kẽm kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải giảm 2,5%, ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2018.

Cao su tăng nhẹ Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng nhẹ cùng với xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng mạnh, bất chấp giá các hàng hóa chủ chốt giảm mạnh. Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn TOCOM tăng 0,5 JPY (0,0044 USD) lên 155,2 JPY/kg và giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,7 JPY lên 143,9 JPY/kg. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 240 CNY (34,61 USD)/tấn lên 10.940 CNY/tấn. Cà phê diễn biến trái chiều và đường tăng từ mức thấp nhất 7 tuần

Giá cà phê robusta tăng do lo ngại về khả năng vụ thu hoạch cà phê tại nước sản xuất hàng đầu – Việt Nam – chậm lại, sau khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão nhiệt đới, trong khi cà phê arabia giảm thấp nhất gần 2 tháng. Đường quay đầu tăng khỏi mức thấp nhất 7 tuần do giá dầu thô tăng trở lại.

 Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2019 tăng 26 USD tương đương 1,6% lên 1.637 USD/tấn, trong khi cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,15 US cent tương đương 0,1% xuống 1,108 USD/lb, trong phiên có lúc chạm 1,097 USD/lb, thấp nhất kể từ ngày 4/10/2018, do đồng real Brazil suy yếu.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,01 US cent tương đương 0,1% lên 12,48 US cent/lg, rời bỏ mức thấp nhất 7 tuần trong phiên trước đó và giá đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 1,3 USD tương đương 0,4% lên 339 USD/tấn.

Đậu tương giảm

Giá đậu tương giảm hơn 2%, chạm gần mức thấp nhất 4 tuần, do lo ngại về triển vọng xuất khẩu của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Chicago giảm 22-1/2 US cent xuống 8,58-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 8,57 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 1/11/2018. Giá đậu tương chịu áp lực bởi lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã nhập khẩu đậu tương Brazil và có thể tiếp tục không nhập khẩu đậu tương Mỹ. 

Minh Quân

Theo Trí thức trẻ

 

 

 

 


Đăng ký nhận tin
KienlongBank