Thông tư số 19/2017/TT-NHNN (có hiệu lực thi hành từ 12/2/2018) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thu hút được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các TCTD mà cả của DN, nhà đầu tư. Bởi theo quy định tại Thông tư 19, kể từ 1/1/2018 đến hết 31/12/2018, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là 45% với NH, chi nhánh NH nước ngoài, điều chỉnh xuống mức 40% từ 1/1/2019; và 90% với TCTD phi NH.
Bàn sâu thêm, vị này nhận thấy: Việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% (năm 2018) sẽ xuống 40% (năm 2019) là tương đối hợp lý, để các TCTD có thời gian cân đối lại tỷ lệ cho vay, dần lành mạnh hoá dòng tín dụng của nhà băng.Các chuyên gia tài chính được tham vấn đều đón nhận đây là tin vui. Một chuyên gia tài chính chia sẻ, vốn đổ vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS sẽ tiếp tục bị giới hạn bởi hai quy định: siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn (Thông tư 19) và hệ số rủi ro cho vay kinh doanh BĐS năm 2018 vẫn duy trì ở mức 200%.
Thực tế, các NH vẫn đang có độ rủi ro lớn trong việc dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Người dân gửi tiền phần nhiều tập trung vào kỳ hạn ngắn, nhưng không ít nhà băng sử dụng vốn đó cho vay trung, dài hạn. Chênh lệch về kỳ hạn giữa huy động và cho vay khiến NH luôn phải đẩy mạnh huy động vốn để giữ thanh khoản. Một chuyên gia cho rằng, vốn huy động của NH chủ yếu là ngắn hạn đồng nghĩa với thời gian đáo hạn nhanh, trong khi dòng tiền đã “chôn” ở khoản cho vay trung, dài hạn nên rủi ro theo đó mà tăng lên, khiến NH phải nâng lãi suất để huy động vốn. Và như thế, mục tiêu giảm lãi suất khó cân đối được. NH sẽ đối diện cùng lúc với rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất.
CEO một NHTM cũng bày tỏ, chủ trương giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NHNN đã được các TCTD “quán triệt” từ lâu, nên họ đều đã có sự chuẩn bị trước để đáp ứng tốt nhất những quy định đặt ra. “Việc siết tỷ lệ theo quy định để hạn chế tình trạng “bóc ngắn cắn dài” sẽ tạo ra sự an toàn và lành mạnh cho toàn hệ thống”, CEO này cho biết.
Không chỉ điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, Thông tư 19 cũng quy định chi tiết hơn đối với trường hợp TCTD không được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, bao gồm trường hợp tài sản bảo đảm là cổ phiếu của TCTD, công ty con của TCTD; tài sản bảo đảm là cổ phiếu của DN phát hành mà khách hàng vay để mua cổ phiếu của DN đó.
Thông tư cũng nêu rõ các TCTD không được cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của TCTD. Như vậy, để mua cổ phiếu NH, nhà đầu tư không được dùng vốn vay từ các TCTD. Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế, đây là quy định nên có từ cách đây nhiều năm, song muộn còn hơn không. Vì dùng tiền vay mua cổ phiếu có vướng mắc là nguồn tiền có giới hạn nhưng lại được đem ra sử dụng cho mục đích đầu tư lâu dài thì hai điều này không hề khớp với nhau. Về mặt kế toán, hạch toán là sai hoàn toàn. Thêm nữa, việc làm này còn tạo ra hiện tượng bong bóng trong NH.
“Khi chấp nhận một khoản tiền đầu tư mà thật ra tiền đó không phải tiền sở hữu của nhà đầu tư mà là đi vay mượn, đồng tiền xoay vòng chắc chắn sẽ tạo ra bong bóng. Và trong quá khứ, đã có những NH tăng vốn ảo là vì vậy”, ông này cho biết.
Việc quy định chi tiết hơn tại Thông tư 19, cấm không được vay NH để mua cổ phiếu, là điều cần thiết. Theo chuyên gia, nếu không thì chính người cổ đông đó sẽ rơi vào tình trạng nan giải: vốn đã bỏ vào NH trong khi tiền vay NH thì vẫn phải trả lãi. Và với NH, đó đương nhiên không phải dòng vốn được đầu tư đúng thực chất, gây rủi ro cho cả hệ thống.
Theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn bình quân của hệ thống TCTD giảm nhẹ xuống còn khoảng 31,2% vào cuối năm 2017, thấp hơn mức 34,5% của cuối năm 2016. |