• English

Tin thị trường

Thế nào là công nghệ kiều hối 2.0?


Ngành công nghiệp chuyển kiều hối trị giá 600 tỷ USD trên thế giới đang có bước chuyển mình quan trọng với sự xuất hiện của các nhân tố mới.

Cứ 200 USD tiền gửi về từ Mỹ chuyển qua hệ thống MoneyGram sẽ mất 5 USD, còn qua hệ thống ngân hàng từ Wells Fargo sẽ mất 7 USD, theo thống kê mới nhất của World Bank. Dù chưa phản ảnh hết tổng chi phí chuyển tiền (người nhận còn có thể tốn thêm khoản phí khác như phí chuyển đổi ngoại tệ hoặc phí giao dịch tiền mặt), nhưng rõ ràng phí chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam đã giảm đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chuyển tiền (600 tỉ USD kiều hối) trên thế giới đang có bước chuyển mình quan trọng với sự xuất hiện của nhân tố mới: những mẫu quảng cáo phí chuyển tiền chỉ 2 USD của các công ty khởi nghiệp.

Mô hình chuyển tiền kiều hối truyền thống có thể chia thành 2 nhóm, qua hệ thống ngân hàng và các công ty chuyển tiền phi ngân hàng (như MoneyGram hay Western Union). Các công ty chuyển tiền có tới hơn 1,1 triệu điểm bán lẻ trên 200 quốc gia - một lợi thế lớn so với nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, lợi thế này đang gặp thách thức lớn trước sự xuất hiện của các dịch vụ trực tuyến, vốn mang lại những lựa chọn giá rẻ cho khách hàng. Đây là lý do khiến chi phí chuyển tiền kiều hối trung bình đã giảm từ 8,93% vào năm 2013 về mức 7,52% trong năm 2015, theo số liệu của Remittance Prices Worldwide, thuộc World Bank. Xu hướng số hóa hoạt động chuyển tiền sẽ tiếp tục kéo mức phí giảm xuống, cũng theo World Bank.

Sự thay đổi nhanh chóng gần đây đến từ chuyển tiền trực tuyến, trong đó xuất hiện những công ty như Transferwire hay WorldRemit, hoạt động theo mô hình P2P, tức người tới người trực tiếp, hạn chế thông qua khâu trung gian.

Trên thực tế, chuyển tiền không phải là tiền thực chảy ra từ nước này hay nước khác. Ý tưởng ở đây là “kết nối” các nhu cầu lại với nhau. Ví dụ, người ở quốc gia A có nhu cầu chuyển tiền sang quốc gia B và ngược lại; các công ty chuyển tiền sẽ kết nối 2 người này. Transferwise hiện cung cấp dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam, người nhận có thể nhận tiền đồng nhưng phải có tài khoản ngân hàng.

Mô hình kết nối P2P đôi khi cũng xảy ra trục trặc khi 2 đồng tiền không có lượng giao dịch tương xứng, chẳng hạn như tiền USD chuyển về Việt Nam chứ ít khi xảy ra theo hướng ngược lại. Các ngân hàng vẫn phải chuyển tiền thực tế thông qua hệ thống bù trừ quốc tế. Kết quả là chi phí cho hình thức truyền thống khó mà giảm được.

Gần đây hơn, hình thức chuyển tiền bắt đầu “tiến hóa” sang một nền tảng mới, dựa trên công nghệ đang gây nhiều tranh cãi blockchain (công nghệ tạo ra đồng tiền ảo). Đồng tiền ảo như Bitcoin đã giải quyết một vấn đề trong dịch vụ chuyển tiền: 1 đồng tiền duy nhất với chi phí thấp và tốc độ xử lý nhanh hơn hẳn. Mạng Bitcoin lúc này đóng vai trò như hệ thống thanh toán bù trừ trong ngân hàng. Người gửi dùng USD để mua Bitcoin, người nhận bán Bitcoin ngay lập tức và nhận bằng đồng nội tệ, nhưng lại yêu cầu người nhận phải tham gia mạng Bitcoin.

Để khắc phục điều này, Bitspark, một startup Hồng Kông, đưa ra tiêu chí “người dùng không cần biết gì về bitcoin” khi tự động hóa khâu mua bán thay người dùng. Trong khi đó, Abra (Anh) thì tổ chức theo kiểu mỗi cá nhân tham gia là một đại diện giao dịch cho Abra. Người nhận tiền có thể đến nhận tiền trực tiếp tại đại diện giao dịch ở quốc gia mình.

Bitspark tập trung đầu tư ở châu Á, trong đó đã cho phép chuyển tiền ở Việt Nam. Ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều công ty cho phép người gửi chuyển tiền về. Cash2VN, chẳng hạn, được giới thiệu từ năm 2015, hay Xoom, một startup được công ty thanh toán quốc tế PayPal mua lại. Một số công ty thậm chí công bố trả tiền qua tài khoản ngân hàng, hoặc nhận tiền tại một điểm chi trả nào đó. Số phí tùy thuộc vào từng khoản tiền cụ thể, nhưng hẳn nhiên thấp hơn các kênh truyền thống.

Ở Việt Nam, cuộc chơi chính vẫn là các ngân hàng truyền thống hợp tác cùng các công ty chuyển tiền trung gian. Nhiều ngân hàng thành lập công ty kiều hối riêng đưa tiền tới tận nhà. Trong những cuộc trao đổi trước đây với NCĐT, các nhà quản lý cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng nguồn thu từ dịch vụ kiều hối là nhỏ, mà chủ yếu lấy dữ liệu để bán chéo sản phẩm.

George Harrap, Tổng Giám đốc Bitspark, chia sẻ trên blog cá nhân rằng ngành ngân hàng đã đến lúc gia nhập tiền ảo và công nghệ blockchain. Thực tế, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới không quan tâm, hoặc chưa tỏ thái độ nào về công nghệ này. Nhưng phần nhiều trong số đó dường như còn đang chờ đợi chính sách rõ ràng hơn từ cơ quan quản lý

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đây công bố đã hoàn thành thử nghiệm công nghệ tiền ảo, tiến gần đến mục tiêu trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới phát hành tiền ảo để thực hiện các chức năng thanh toán mua hàng hóa. Một đồng tiền ảo được đảm bảo bởi chính phủ dù không có sự khác biệt về công nghệ, nhưng lại cạnh tranh trực tiếp với ngay chính các công cụ hiện hữu như AliPay hay WeChat.

Một số quốc gia như Việt Nam thì lại rất thận trọng trước sự ra vào của dòng vốn quốc tế vì liên quan đến hoạt động rửa tiền và ảnh hưởng đến chính sách kiểm soát vĩ mô. Lần tỏ thái độ gần nhất là thông cáo năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước, mới chỉ cảnh báo tính hợp pháp của các sàn giao dịch tiền ảo như Bitcoin. Chưa có văn bản pháp lý đồng nghĩa với việc các hoạt động liên quan đến Bitcoin như chuyển tiền chưa được thừa nhận và vì thế không được bảo vệ nếu xảy ra rủi ro.

“Những quy định sẽ khiến kiều hối đắt đỏ một cách không cần thiết”, tờ The Economist nhận định về những thay đổi mới trên thị trường kiều hối. Những quy định này dễ đẩy kiều hối vào kênh “chợ đen” và rõ ràng là không tốt cho bất cứ ai. Vì thế, các cơ quan quản lý nên có những văn bản điều chỉnh cụ thể hơn.

Trong khi chính phủ các nước vẫn tỏ ra thận trọng thì những công ty công nghệ vẫn tiếp tục lấn tới. Gần đây, Transferwire bắt tay với Facebook Messenger để thực hiện việc chuyển tiền qua mạng xã hội, vốn thu hút được nhiều công ty tham gia. Theo World Bank, có 90% chuyển tiền diễn ra giữa bạn bè và người nhà, những người có kết nối mạng xã hội.

Thiên Phong


Đăng ký nhận tin
KienlongBank